Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Văn hóa

Du lịch xanh lên ngôi

Bài và ảnh: Tuyết Nhung 19:05 27/04/2024

Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Du lịch xanh là loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các yếu tố tự nhiên, văn hóa của người dân bản địa. Bởi vậy, loại hình du lịch này đang ngày càng có sức hút với du khách và cũng được xác định là dòng sản phẩm du lịch chủ lực của nhiều địa phương trong những năm gần đây.

439796670_1594157201420017_6759635220486004563_n.jpg
Một điểm du lịch ở Lào Cai

Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch xanh thực sự hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm thì ngoài điều kiện "cần" là yếu tố tự nhiên, văn hóa thì điều kiện "đủ" phải là nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, giữ gìn vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch... Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh việc kết nối các điểm đến du lịch xanh gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng...

Là du khách đến Làng cổ Đường Lâm, chị Thanh Thảo (Hưng Yên) chia sẻ: "Thay vì tìm đến các khu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi, các đô thị sôi động, tôi và bạn bè luôn muốn tìm kiếm cho mình một không gian yên bình cho những kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5. Bởi vậy, chúng tôi thường tìm đến các địa điểm du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên như: Làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, Mai Châu, đỉnh Tà Xùa (Sơn La)... Khi đến những nơi này, chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành và thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương. Quan trọng hơn, du lịch xanh còn giúp nâng cao trách nhiệm của chúng tôi về bảo vệ môi trường và còn giúp người dân bản địa gìn giữ được phong tục tập quán của mình".

Một nghiên cứu của TripAdvisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn

Với các địa phương, du lịch xanh không chỉ góp phần tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho hệ sinh thái bản địa, mà con thu lại nguồn kinh tế cao. Đơn cử như Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển... Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt.

439207500_1080301319712808_5862590443044042478_n.jpg
Du khách được trải nghiệm bản sắc địa phương

Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước.

Không chỉ Khánh Hòa, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang... Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế chung của thế giới nhằm đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các nhiệm vụ chiến lược như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc...

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính định hướng tài nguyên rõ rệt. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài nguyên cũng như môi trường du lịch. Xu hướng tiêu dùng du lịch xanh ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương".

Bài liên quan
An Giang: Tàu chở khách du lịch va chạm với phà, 3 người bị thương
Sáng 20.4, Công an xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thông tin, trên địa bàn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch xanh lên ngôi