Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi: Bỏ các quy định quản lý bằng sổ hộ khẩu

17/04/2020, 17:35

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bỏ nhiều quy định về hộ khẩu tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) - Ảnh: VPQH

Ngày 17.4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Theo Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi lần này thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.

Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đồng thời, dự thảo Luật bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, cấp lại sổ tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú, gia hạn tạm trú.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, tại dự án Luật Cư trú (sửa đổi) lần này vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, có bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và việc đăng ký thường trú tại các đơn vị hành chính này sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc hay không?

Thứ hai, sẽ xóa đăng ký thường trú với trường hợp công dân vắng mặt tại nơi cư trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú không?

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, ủng hộ các chính sách lớn của dự án Luật nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cở sở dữ liệu về cư trú

Theo đó, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung băn khoăn về tính khả thi của quy định bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện và đã chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân.

Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu, đến nay mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Như vậy, việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi Luật này có hiệu lực (năm 2021) trong khi còn một khối lượng lớn công việc cần phải thực hiện để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hàng chục triệu công dân cần được cấp số định danh cá nhân là vấn đề cần cân nhắc thận trọng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng việc triển khai thi hành Luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021) cũng như việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam.

Mặt khác, hồ sơ dự án Luật gửi chậm so với quy định, việc đánh giá tác động các chính sách và tổng kết thực tiễn chưa đầy đủ nhất là đánh giá các nội dung đề xuất sửa đổi.

Đặt câu hỏi có nhất thiết phải trình ngay dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội cho ý kiến hay không, ông Xuyền đề nghị cân nhắc thời điểm trình dự án Luật này, có thể lùi thời gian trình sang Kỳ họp thứ 10 để bảo đảm xem xét kỹ lưỡng các nội dung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề xuất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, theo đó sẽ trình dự án Luật Cư trú tại Kỳ họp thứ 10.

Các đại biểu lưu ý, đối với quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm kịp có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tất cả các ý kiến đều nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, kịp thời ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Do dự án Luật tác động lớn đến người dân, các cơ quan tổ chức nên cần rà soát đánh giá kỹ các nội dung sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động để khi Luật ban hành đi vào cuộc sống, không làm phát sinh vướng mắc trong việc thực hiện quyền của người dân cũng như việc cung cấp các dịch vụ công.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi: Bỏ các quy định quản lý bằng sổ hộ khẩu