Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với Dự thảo nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Theo đó, một số quy định tại Dự thảo về thủ tục hành chính chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng.
Cụ thể, theo VCCI, tại Khoản 2, 3 Điều 16 của Dự thảo chỉ quy định về trình tự lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cảng hàng không, sân bay mà không quy định về trình tự lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Như vậy, thủ tục điều chỉnh quy hoạch này sẽ thực hiện như thế nào? Có tương tự như thủ tục lập và phê duyệt quy hoạch ban đầu không?
Về cho thuê đất, dự thảo không quy định cụ thể về thời hạn cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phải ban hành đơn giá cho thuê đất mà chỉ dẫn chiếu tới quy định chung chung “theo quy định”. Điều này có thể gây khó khăn cho chủ đầu tư nếu thời hạn ban hành đơn giá thuê đất bị kéo dài.
Với thủ tục mở cảng hàng không, sân bay, VCCI cho biết Điểm b khoản 2 Điều 34 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị mở phải có “văn bản giải trình, chứng minh về việc đủ điều kiện mở cảng hàng không, sân bay”. Quy định này chưa đủ rõ về loại tài liệu.
Khoản 3 Điều 34 của Dự thảo chỉ quy định về thời hạn xem xét thẩm định và ban hành quyết định, thời hạn này được tính từ thời điểm nhận đầy đủ hồ sơ, nhưng Dự thảo lại không quy định thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục hành chính bị kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ.
"Dự thảo có rất nhiều quy định về thủ tục hành chính trong đó không có quy định về khoảng thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ (ví dụ: khoản 3 Điều 35, khoản 6 Điều 44…), đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo và bổ sung quy định này vào các quy định về thủ tục hành chính", VCCI nêu.
Cũng theo VCCI, một số quy định chưa đảm bảo yếu tố minh bạch như về quy hoạch cảng hàng không do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng lập. Khoản 7 Điều 18 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập.
Quy định này không rõ ở điểm, quy hoạch do chủ đầu tư dự án đầu tư lập có nằm trong quy hoạch do Cục Hàng không lập, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định từ khoản 1-6 Điều 18 không? Hay là quy hoạch này nằm ngoài quy hoạch do Bộ phê duyệt?
Cùng với đó, đất giao cho chủ đầu tư có nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Bộ Giao thông vận tải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền không, trong khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất này lại căn cứ vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay trừ quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Vẫn theo VCCI, Điều 19 Dự thảo quy định về Hội đồng thẩm định quy hoạch cảng hàng không, sân bay tuy nhiên lại không quy định rõ về hội đồng này ít nhất ở các điểm: số lượng thành viên; quyết định theo chế độ tập thể có nghĩa là như thế nào (số đồng ý quá bán, theo một tỷ lệ nào đó hay là 100%), những trường hợp nào thì Hội đồng thẩm định sẽ lựa chọn tư vấn phản biện độc lập? Để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.
Khoản 5 Điều 27 Dự thảo có được hiểu là tổ chức đã và đang khai thác, sử dụng ổn định các công trình hiện hữu phải thực hiện lại thủ tục xin giao đất quy định từ khoản 1-4 Điều 27 kể cả trong trường hợp thời hạn giao đất trước đó vẫn còn hoặc đã được giao đất sử dụng ổn định, lâu dài? Nếu được hiểu theo cách này thì quy định này sẽ gia tăng thủ tục và tạo ra rủi ro cho các tổ chức đã và đang sử dụng đất ổn định lâu dài, vì họ sẽ có nguy cơ bị từ chối không được giao đất.
Quy định về các trường hợp giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ hiệu lực có một số điểm chưa phù hợp, cụ thể: Không rõ như thế nào được cho là “vi phạm nghiêm trọng” cá quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng; các quy định về bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Dự thảo thì trong Hồ sơ đề nghị giao đất phải có: văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, bản thuyết minh dự án đầu tư.
Theo VCCI, quy định trên là vừa chưa rõ ràng vừa chưa phù hợp với Luật Đầu tư. Không rõ “quyết định phê duyệt dự án đầu tư” là do ai phê duyệt (chủ đầu tư hay cơ quan có thẩm quyền? Nếu cơ quan có thẩm quyền thì theo quy định tại văn bản nào? Theo quy định tại Luật Đầu tư thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư sẽ tiến hành triển khai dự án đầu tư mà không thấy có thủ tục phải xin phê duyệt dự án).
Hơn nữa, Điều 33 Luật Đầu tư 2014 quy định khi thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét về dự án về mặt quy hoạch và đất đai, nội dung đề xuất dự án (tương tự như “bản thuyết minh dự án đầu tư”), có nghĩa khi doanh nghiệp đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thì những vấn đề như quy hoạch, đất đai, thuyết minh dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến.
Khoản 7 Điều 52 Dự thảo quy định người khai thác tàu bay phải nộp bản cân bằng trọng tải, danh sách bay, danh sách hành khách, bản kê khai hàng hóa của mỗi chuyến bay cho Cảng vụ hàng không trong vòng 5 giờ sau khi tàu bay cất cánh hoặc hạ cánh hoặc khi có yêu cầu đột xuất của Cảng vụ hàng không. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định theo hướng phương thức gửi báo cáo là phương thức điện tử.
Lam Thanh