Trước năm 1975, cùng thời với Điềm Khắc Kim nổi danh chốn giang hồ ở Sài Gòn có Điền Thái Minh tức Đức “Mông Cổ”, một tướng cướp “nhà binh” cũng nổi danh không kém. Nhưng kết cục của Điềm Khắc Kim là cái chết thảm trong trại giam Chí Hòa, còn Đức “Mông Cổ” có hậu hơn, trở thành một tài tử điện ảnh nổi tiếng, đóng đến 60 phim chủ yếu là vai… tướng cướp dữ dằn.
Kỳ 1- Bụi đời Chợ Lớn
Để có được kết cục sáng sủa như vậy Đức “Mông Cổ” đã sớm hoàn lương trở thành người lương thiện, nhưng để trở thành người lương thiện, sống tử tế đối với một tướng cướp khét tiếng đã khó, trở thành một diễn viên điện ảnh được nhiều người yêu mến lại càng khó hơn. Đức “Mông Cổ” đã vượt qua bi kịch của đời mình như thế nào?
Tuổi thơ khốn khổ
Quay lại thời gian năm 1953 của Sài Gòn. Thủa ấy ở chân cầu Hiệp Ân bến Ngyễn Duy (thuộc Q8), một trong những địa danh nằm dọc sông Ông Lãnh xuôi về hướng Chợ Lớn, nơi có nhiều vựa lúa, chành gạo và lực lượng công nhân bốc vác đông đảo. Tất nhiên vây quanh đó là những khu dân cư tập trung người lao động nghèo tứ xứ về đây sinh sống. Bến Nguyễn Duy trên bờ đã thế, dưới sông cũng không kém phần nhộn nhịp với ghe thuyền xuôi ngược ngày đêm của giới thương hồ sông nước.
Ở đó có một gia đình lao động nghèo xơ xác như nhiều gia đình nghèo khác, và cậu bé Điền Thái Minh đã sinh ra trong gia đình này với ông bố làm nghề ngược xuôi sông nước, trưởng một tàu kéo. Do mưa nắng, thời gian và sự lao lực quá mức đã cướp dần của ông thời trai trẻ nên cha của Điền Thái Minh đã chết sớm, để lại 5 đứa con và một bà vợ tảo tần cũng hom hem không kém ông chồng với một sạp hàng tạp hóa lèo tèo nhưng phải gồng gánh tới 5 miệng ăn.
Nhưng bà mẹ nghèo này vẫn bền gan chống chọi với cuộc sống cơ cực để nuôi những đứa con mất đi người trụ cột trong gia đình ăn học không một giây phút ngả lòng. Điền Thái Minh là anh cả trong gia đình, năm cha chết anh được 13 tuổi, và là một thiếu niên cao lớn ra dáng đàn ông ngoài giờ đi học ở nhà phụ mẹ gồng gánh nuôi mấy đứa em.
Năm 1969, Điền Thái Minh đang học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), buổi tối sung vào lực lượng Nhân dân tự vệ xã phường đang ôm súng đứng gác trước cửa trụ sở, lúc đó tên trưởng khóm NDTV, sếp của Điền Thái Minh đi nhậu về xỉn quắc cần câu ngang qua chỗ mấy bà hàng xóm đang ngồi tán gẫu dưới chân cột đèn đường, trong đó có mẹ của Điền Thái Minh. Tên Ba Xê chẳng hiểu nổi điên chuyện gì mà ngoác mồm ra chửi tục, hăm dọa cho dân vệ bắt nhốt hết vì tội… khuya rồi mà không về nhà ngủ còn tụ tập ngoài đường để “nhiều chuyện”.
Điền Thái Minh rất căm ghét sự hống hách của tên Ba Xê, coi người dân chẳng ra gì, dám xúc phạm đến những người đàn bà trong xóm mà trong đó có mẹ của mình nhưng chỉ biết nuôi mối oán hận này trong lòng chờ dịp trả thù chứ lúc đó không biết làm gì hơn. Để có cơ hội trả thù Ba Xê, Điền Thái Minh chỉ còn cách đăng lính, mà phải là thứ lính “ngầu” nhất thời chế độ cũ để một ngày đẹp trời mang súng trở về xóm nện cho tên trưởng khóm một trận, lúc đó tên Ba Xê mới ớn.
Lấy số má giang hồ
Thế là vài ngày sau Điền Thái Minh bỏ học, bỏ luôn giấc mộng sau này làm kỹ sư để đăng vào binh chủng Thủy quân Lục chiến một trong những sắc lính “bặm trợn” thời bấy giờ là: Biệt kích dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân. Sau 3 tháng huấn luyện, Điền Thái Minh được đưa về đơn vị tác chiến và chỉ sau một thời gian ngắn binh nhì Điền Thái Minh trở về xóm cũ không phải là cậu học trò nhút nhát trước đây nữa mà trong sắc phục rằn ri của lính TQLC, đầu đội mũ bê rê xanh, bên hông xề xệ khẩu P38, bộ dáng khệnh khạng, miệng phì phèo điếu thuốc đi tìm tên Ba Xê để rửa hận.
Vừa gặp lại cậu thanh niên cùng xóm, từng là nhân dân tự vệ dưới quyền mình chưa hết ngỡ ngàng thì Điền Thái Minh đã nhảy xổ đến đấm đá ông trưởng khóm túi bụi. Trước sự hung hăng, dữ tợn của Điền Thái Minh trong bộ sắc phục TQLC rằn ri, và khẩu P38 đeo bên hông, ông trưởng khóm chỉ còn biết ôm đầu máu bỏ chạy thoát thân. Tất nhiên Ba Xê sau đó đi thưa và Điền Thái Minh bị quân cảnh bắt tống và quân lao giam chịu hình phạt kỷ luật.
Sau một tuần lễ “kẻ tội đồ” được thả ra và với “chiến tích” đánh người của “nhà chức trách”, dù chỉ là một anh trưởng khóm quèn nhưng Điền Thái Minh đã được đánh giá là một “quân nhân vô kỷ luật” nên bị đưa ra vùng 1 chiến thuật sung vào tiểu đoàn 3 sư đoàn TQLC một tiểu đoàn đảm trách “tọa độ chết” ở thành cổ Quảng Trị.
Binh lính bổ sung vào đơn vị này được xem như những “cảm tử quân” ra đi không về nên đều nhận tiền tử tuất trọn gói một lần. Do đó toàn đơn vị tiểu đoàn này xem như không còn gì để mất và cũng chính vì thế nên tập trung toàn “thứ dữ”, rất hung hăng, liều lĩnh và đánh đấm… thí mạng cùi. Dấu ấn này vẫn còn rất đậm nét về sau này trong trí nhớ của Điền Thái Minh. Đó là cuối năm 1969, thời điểm chiến trường thành cổ Quảng Trị khốc liệt nhất.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường