Bất chấp những tranh luận trái chiều về giải pháp đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, thì thực tế đã chứng minh có khá nhiều trường hợp tương tự đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng: nếu chỉ dùng tiền thôi thì vẫn là chưa đủ.

Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Chỉ dùng tiền là chưa đủ

Nhàn Đàm | 24/09/2016, 14:40

Bất chấp những tranh luận trái chiều về giải pháp đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, thì thực tế đã chứng minh có khá nhiều trường hợp tương tự đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng: nếu chỉ dùng tiền thôi thì vẫn là chưa đủ.

Ở thời điểm hiện tại, một trong những nút thắt lớn nhất đang cản trở quá trình cải cách nền kinh tế của chính phủ là vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Khi nợ xấu vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, những nỗ lực cải cách như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hay nâng cao số lượng doanh nghiệp sẽ không thu được hiệu quả lớn nhất, do yếu tố lãi suất và nguồn vốn vẫn sẽ bị nợ xấu chi phối.

Mức lãi suất huy động và đặc biệt là lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực (6-9% ở Việt Nam so với mức trung bình 2-3% ở khu vực) đang khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam giảm đáng kể.

Một đề xuất đang gây tranh cãi lớn xung quanh vấn đề này, đó là sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Bất chấp những tranh luận trái chiều về giải pháp được đề xuất này, thì thực tế đã chứng minh có khá nhiều trường hợp sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng: nếu chỉ dùng tiền thôi thì vẫn là chưa đủ.

Sở dĩ vấn đề tìm biện pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang được chính phủ đặt ra một cách khá cấp bách ở thời điểm hiện tại, là vì nó đang có xu hướng ngăn cản nền kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng, và đặc biệt là cản trở những nỗ lực cải cách do nó có khả năng chi phối lãi suất và nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động.

Trên thực tế, trong tổng số nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua, thì 45% được bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), và 55% còn lại do hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tự giải quyết (theo CafeF).

Để giải quyết được 55% tổng số nợ xấu này, các NHTM phải trích từ quỹ dự phòng rủi ro, nói cách khác là lấy chính lợi nhuận của mình ra để xử lý các khoản nợ xấu này, và đó là lý do khiến cho lãi suất huy động và đặc biệt là lãi suất cho vay đều không thể hạ thấp. Nói cách khác, vốn chết ở nợ xấu quá nhiều, các NHTM vừa phải trích lập dự phòng rủi ro vừa phải trả lãi huy động, nên nếu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thì ngân hàng khó có thể có lãi.

Thực tế đã chứng minh, dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục (lãi suất qua đêm trên thị trường này hiện ở mức 0,5%), nhưng lãi suất trên thị trường huy động và cho vay với các doanh nghiệp và dân cư thì không những không giảm mà còn tăng thêm (tăng bình quân 0,3% trong quý I năm nay) (theo The Saigon Times).

Vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua yếu tố giảm lãi suất, thì điều cần làm là phải xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM một cách triệt để nhất có thể.

Theo dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Và dự kiến số tiền cần thiết rót từ ngân sách sẽ dao động từ 5.000-10.000 tỉ đồng. Số tiền này được xem như một số vốn mồi giúp luân phiên giải quyết các khoản nợ xấu thông qua chủ thế là VAMC.

Dù gặp phải sự phản đối của khá nhiều chuyên gia kinh tế, nhưng thực tế đã chứng minh việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM là một giải pháp có hiệu quả rất cao, nếu như nó được đưa ra đúng lúc đúng chỗ. Trường hợp điển hình là việc chính phủ Mỹ đã sử dụng tiền ngân sách để cứu hệ thống ngân hàng của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008-2009 một cách rất thành công.

Về cơ bản, việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu giống như việc tạo ra một dòng chảy đủ lớn có thể thổi bay những chướng ngại vật, nó chỉ có thể thành công nếu như có các biện pháp tạo ra được dòng chảy đó, không chỉ dừng lại ở số tiền sử dụng.

Ở thời điểm hiện tại, phương án sử dụng tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay đang vấp phải những trở ngại không nhỏ, mà nếu như không thể giải quyết ổn thỏa thì có dùng bao nhiêu tiền ngân sách đi nữa cũng không đủ. Trước hết là ở cơ chế chính sách vận hành của VAMC chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu là ở việc xử lý khối nợ xấu đã mua.

Ở góc độ xử lý nợ xấu, thì khoản nợ xấu mà các NHTM bán cho VAMC chỉ là một kỹ thuật làm đẹp bảng cân đối kế toán của những ngân hàng này mà thôi, VAMC mua về phần lớn cũng chỉ để đó mà không thể giải quyết một cách triệt để. Chính việc chưa có một cơ chế hoạt động rõ ràng và hiệu quả cho VAMC là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn nợ xấu vẫn tồn đọng tại công ty này trong suốt thời gian vừa qua.

Nếu chưa giải quyết được khúc mắc cơ bản này thì có dùng bao nhiêu tiền từ ngân sách cũng là không đủ. Thực tế đã chứng minh, VAMC cũng đã từng được bơm khoản tiền 2.000 tỉ đồng từ ngân sách cách đây không lâu để giải quyết nợ xấu, nhưng kết quả thì không khả quan (theo CafeF). Giờ đây có bơm 5.000 tỉ hay 10.000 tỉ thì cũng khó lòng mà tránh khỏi vết xe đổ trước đó.

Yếu tố thứ hai đang cản trở tính khả thi của đề xuất lấy ngân sách để xử lý nợ xấu, nằm ở chính các NHTM. Trên thực tế, việc xử lý nợ xấu tại các NHTM diễn ra chậm chạp hơn khá nhiều so với khả năng thực, do không ít ngân hàng vẫn cố tình ém nợ xấu vì lý do này hay lý do khác.

Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng tìm cách trì hoãn việc đặt việc xử lý nợ xấu lên thành ưu tiên hàng đầu, do các vấn đề về lợi nhuận và chia lợi tức cho cổ đông trong khi trách nhiệm gây ra nợ xấu của những cổ đông này lại không được đề cập đến. Không có gì đảm bảo, nếu dùng vốn ngân sách để hỗ trợ các NHTM xử lý nợ xấu, thì khoản tiền đó không được các ngân hàng này sử dụng với mục tiêu sinh lợi cho mình trước.

Nếu không có giải pháp giải quyết dứt điểm hai vấn đề nêu trên, thì có dùng bao nhiêu tiền ngân sách để xử lý nợ xấu đi nữa cũng sẽ là vô ích. Thành công trong trường hợp của chính phủ Mỹ sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ sự minh bạch và cơ chế hoạt động hiệu quả của các tổ chức tín dụng ở nước này.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì điều kiện tiên quyết kể trên vẫn chưa có. Nếu như chính phủ thực sự tạo ra được cơ chế hoạt động hiệu quả của VAMC cũng như buộc các NHTM phải đặt việc giải quyết dứt điểm nợ xấu lên ưu tiên hàng đầu, thì có lẽ sẽ không ai ngăn cản việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu cả.

Nhàn Đàm
Bài liên quan
Thu ngân sách 10 tháng: Hai nguồn thu chủ chốt tăng mạnh
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt hơn 1,65 triệu tỉ đồng. Tính riêng trong tháng 10, mức thu đạt 178.500 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
35 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Chỉ dùng tiền là chưa đủ