Phương pháp dùng các tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells - MSCs) xâm nhập và chuyển thuốc vào vị trí khối u do các nhà khoa học Nga phát triển, chứng tỏ là một liệu pháp đầy hứa hẹn để điều trị các khối u ác tính mà không ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng khoẻ mạnh.

Dùng tế bào gốc trung mô vận chuyển thuốc đến khối u

08/12/2019, 14:08

Phương pháp dùng các tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells - MSCs) xâm nhập và chuyển thuốc vào vị trí khối u do các nhà khoa học Nga phát triển, chứng tỏ là một liệu pháp đầy hứa hẹn để điều trị các khối u ác tính mà không ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng khoẻ mạnh.

Khi các tế bào gốc đến được vị trí của khối u, chúng được tác động bằng tia laser khiến vỏ viên nang chứa thuốc bị phá hủy và giải phóng thuốc - Ảnh: Istock

Theo Biomaterials Science, các nhà khoa học ở Đại học công nghệ thông tin St. Petersburg, Nga, đã phát triển một hệ thống độc đáo để đưa thuốc đến các khối u ác tính. Thành tựu mới này có thể làm tăng đáng kể hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư.

Theo dịch vụ báo chí của trường, các nhà khoa học đã tạo ra một hệ thống sáng tạo, cho phép các tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells - MSCs) xâm nhập và chuyển thuốc vào vị trí khối u. Các tế bào gốc trung mô trở thành một nền tảng phân phối hấp dẫn cho phép đạt được hiệu quả điều trị tối đa với tác dụng phụ độc hại tối thiểu.

Được biết, khi điều trị ung thư, nồng độ của thuốc càng mạnh thì càng chống lại khối u hiệu quả. Nhưng ở một số liều nhất định, thuốc trở nên độc hại đối với toàn bộ cơ thể, nhưng đồng thời, tác dụng của thuốc không đủ hiệu quả và lại cần tăng liều hơn nữa.

Các bác sĩ luôn đau đầu với câu hỏi làm thế nào để cung cấp thuốc để không ảnh hưởng đến các cơ quan khỏe mạnh. Với các phương pháp truyền thống, thuốc được phân phối qua máu đi khắp cơ thể và rất khó để đưa đến vị trí của một khối u nhất định. Thực tế là khối u, thường khá rắn chắc, máu khó lưu thông tới đó, điều này cũng làm phức tạp việc cung cấp thuốc bằng các phương pháp truyền thống.

Các nhà khoa học Nga đã tìm ra cách "nhồi" liều thuốc siêu nhỏ vào tế bào gốc và hướng chúng đến cơ quan bị ảnh hưởng. Tất cả được bọc trong các viên nang polyelectrolyte, kích thước không vượt quá một micron chứa thuốc và nhạy cảm với ánh sáng.

Hệ thống phân phối dựa trên tế bào này kích hoạt giải phóng thuốc khi chiếu tia laser hồng ngoại gần (NIR). Cụ thể, trên đường đến khối u, thuốc vẫn được đóng lại và không hoà qua máu vào cơ thể. Nhưng khi các tế bào gốc đến được vị trí của khối u, chúng được tác động bằng tia laser khiến vỏ viên nang chứa thuốc bị phá hủy và giải phóng thuốc.

Các nhà nghiên cứu tin rằng bằng cách này, có thể tổ chức đưa bất kỳ loại thuốc chống ung thư nào đến cơ quan bị ảnh hưởng. Thử nghiệm được thực hiện trên một mô hình khối u và kết quả nghiên cứu đã chứng tỏ là một liệu pháp đầy hứa hẹn để điều trị các khối u ác tính.

Vũ Trung Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng tế bào gốc trung mô vận chuyển thuốc đến khối u