Cứ mỗi lần đến kỳ thi tuyển sinh đại học, ngành giáo dục và báo chí lại lên tiếng vì điểm số thấp kém của học sinh trong các môn xã hội, mà đặc biệt nhất là với môn Sử. Ai cũng trách móc học sinh không chịu học Sử, nhưng liệu rằng có mấy người hỏi trực tiếp các em, tại sao lại học không hiệu quả?

Đừng trách vì sao học sinh ‘chê’ môn sử

11/05/2014, 08:22

Cứ mỗi lần đến kỳ thi tuyển sinh đại học, ngành giáo dục và báo chí lại lên tiếng vì điểm số thấp kém của học sinh trong các môn xã hội, mà đặc biệt nhất là với môn Sử. Ai cũng trách móc học sinh không chịu học Sử, nhưng liệu rằng có mấy người hỏi trực tiếp các em, tại sao lại học không hiệu quả?

Nguyên nhân từ đâu?

Mặc dù đang là sinh viên năm 3, nhưng mỗi lần thấy báo chí đề cập đến vấn đề học sinh thời nay “ngán” lịch sử, dẫn đến việc mỗi kỳ thi đại học lại xuất hiện vô số những điểm 0, 1… của môn học này, tôi cảm thấy không khỏi chạnh lòng.

Chạnh lòng vì một môn học có ý nghĩa, ca ngợi về quá khứ hào hùng và vẻ vang của dân tộc như vậy mà đang dần dần bị các thế hệ trẻ “quay lưng”, nhưng đồng thời cũng chạnh lòng vì chính những nhà làm giáo dục đã và đang góp phần trong việc “quay lưng” ấy của học sinh.

Với cách giáo dục đọc – chép, chạy bài cho kịp giáo án mà không quan tâm mấy đến phương pháp giảng dạy sao cho tạo được hứng thú học tập của học sinh thì thử hỏi việc tiếp thu của các em có đạt được hiệu quả tốt nhất không?

Không thể phủ nhận có một bộ phận học sinh không thích học, từ đó lười biếng và không tiếp thu được, dẫn đến điểm số yếu kém trong học tập, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều em ham học, thích học nhưng lại không được học đúng cách và hiệu quả.

Nhiều người hay trách giới trẻ thời nay thuộc lòng sử nước ngoài hơn cả lịch sử Việt Nam mà không nhìn nhận một vấn đề khách quan là họ làm phim không chỉ với mục đích giải trí mà còn với dụng ý quảng bá và muốn mọi người biết đến lịch sử của dân tộc họ.

Tuổi trẻ là tuổi năng động và ưa khám phá, các em thích những gì sinh động, chân thực nhưng cũng dễ tiếp thu và dễ hiểu. Phim ảnh đáp ứng được yêu cầu đó. Mặc dù phim về lịch sử Việt Nam có sản xuất nhưng lại thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp và số lượng của thể loại phim này cũng còn quá ít, không mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Lỗi của ai?

Tôi đã từng được nghe giáo viên dạy Sử cấp 3 của mình chia sẻ, thật ra các thầy cô khi mới ra trường, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn được truyền tải kiến thức đến học sinh của mình một cách sống động và hiệu quả nhất, muốn cho các em có không gian để làm những điều mới mẻ, hơn là chỉ ngồi đọc và chép bài theo cách truyền thống, như đi tham quan các di tích lịch sử, tái hiện lại một sự kiện lịch sử bằng việc cho các em hóa thân diễn kịch hoặc cho các em xem phim về lịch sử… nhưng tiếc là không được.

Thời gian giảng dạy thì ít nhưng bài vở trong chương trình lại nhiều, có khi dạy mà như chạy vì sợ cháy giáo án, bị cấp trên khiển trách, không kịp cho các em thi cử. Nỗi khổ trăm bề, riết rồi nhiệt huyết của thầy cô cũng giảm dần theo thời gian.

Vậy thực chất vấn đề học sinh học yếu kém môn Sử xuất phát từ đâu? Phải chăng là do kiến thức quá nặng, đề cương ôn tập lại dài lê thê cộng thêm việc không được tiếp xúc với các kiến thức một cách trực quan và sinh động đã làm học trò ngày nay càng ngày càng ngán ngẩm với môn học bổ ích này.

Mỗi mùa tựu trường mới đều nghe các nhà làm giáo dục hứa hẹn cải tiến sách giáo khoa, đổi mới chương trình dạy và học nhưng cuối cùng số lượng kiến thức dày đặc, thời gian dạy ít ỏi, phương pháp thụ động vẫn không mấy thay đổi.

Tôi chỉ là một sinh viên, một người từng trải qua thời học sinh với nỗi sợ vô hình về môn Sử thì chắc chắn sẽ không thể làm được gì để thay đổi được hiện trạng này. Nhưng tôi hi vọng với sự trải lòng chân tình của mình sẽ được các nhà làm giáo dục ghi nhận và xem xét lại nhằm có sự thay đổi phù hợp, sao cho học sinh chúng ta không còn nỗi ám ảnh về một môn Sử khó “nuốt” nữa, các em sẽ yêu quý và luôn không ngừng trau dồi cho mình về lịch sử Việt Nam – một trong những nền lịch sử đáng tự hào!

Lê Na

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng trách vì sao học sinh ‘chê’ môn sử