23 nước thành viên EU ngày 13.11 đã ký tham gia Hiệp ước quốc phòng chung với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quân sự giữa các nước, tăng khả năng quốc phòng của toàn khối.

EU ký hiệp ước quốc phòng chung

Cẩm Bình | 14/11/2017, 12:00

23 nước thành viên EU ngày 13.11 đã ký tham gia Hiệp ước quốc phòng chung với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quân sự giữa các nước, tăng khả năng quốc phòng của toàn khối.

Hiệp ước mang tên Cơ chế hợp tác thường xuyên (PESCO) vừa được ký bởi Ngoại trưởng của 23 nước EU. Lãnh đạo EU sẽ ký kết hiệp ước này vào tháng 12 tới, trang tin Reuters cho biết.

Trong khuôn khổ PESCO, các nước sẽ đóng góp nhân lực, tài chính, hạ tầng quân sự cho các chiến dịch quốc phòng chung của khối. Ngoài ra, các bên cũng cam kết thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng, trong đó 20% dành cho việc mua sắm và 2% cho công tác nghiên cứu.

Dự kiến các nước tham gia PESCO sẽ phải trình lên các kế hoạch phát triển quốc phòng và tiến hành đánh giá những điểm yếu trong lực lượng quân đội của mình. Thông qua báo cáo của các nước, EU sẽ tìm cách khắc phục những chênh lệch trong trình độ quốc phòng giữa các nước.

Trang Deutsche Welle dẫn lời bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và đối ngoại, đánh giá lễ ký kết PESCO là “khoảnh khắc lịch sử trong hợp tác quốc phòng của EU”.

Theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel,: “Hôm nay (13.11) chúng ta đã có một bước tiến mang tính lịch sử. Chúng ta nhất trí hợp tác về an ninh và quốc phòng trong tương lai. Đây thực sự là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của châu Âu”.

Theo PESCO, các nước sẽ đóng góp cho các chiến dịch quốc phòng chung của khối và thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng - Ảnh: Reuters

Reuters cho biết hiện Ireland, Bồ Đào Nha và Malta vẫn chưa quyết định được có tham gia PESCO. Hiệp ước cũng không có sự góp mặt của Đan Mạch, nước vốn không tham gia vào các vấn đề quân sự của khối.

Deutsche Well cho hay Anh dự kiến sẽ ra khỏi khối vào năm 2019 nên không nằm trong PESCO, tuy nhiên nước này có thể chọn tham gia vào một vài lĩnh vực trong hiệp ước, miễn sao sự tham gia này đem lại lợi ích cho toàn EU.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (đứng) trong cuộc họp EU ngày 13.11 - Ảnh: Reuters

Hiệp ước quốc phòng chung được ký trong bối cảnh Anh chuẩn bị ra khỏi EU và Mỹ luôn thúc giục EU tự cải thiện năng lực phòng thủ của mình.

PESCO được xem là sẽ giúp khối này củng cố được năng lực quốc phòng tự thân, giảm mức độ phụ thuộc vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), qua đó giữ vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề quốc tế, theo Deutsche Welle.

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO hoan nghênh hiệp ước này và xem đây là cơ hội để “củng cố vị trí trụ cột của châu Âu trong NATO”.

Theo ông: “Tôi là người tin vào nền quốc phòng mạnh mẽ hơn của châu Âu, vì vậy tôi hoan nghênh PESCO vì tôi tin hiệp ước sẽ giúp tăng khả năng quốc phòng của châu Âu. Đây là điều tốt cho cả châu Âu lẫn Mỹ”.

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO hoan nghênh PESCO - Ảnh: Deutsche Welle

Reuters cho biết ý tưởng về hợp tác quốc phòng chung EU đã được đề xuất từ những năm 1950, nhưng bị Anh phản đối. Sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU, Pháp và Đức, với sự hỗ trợ của Ý và Tây Ban Nha, trong nỗ lực giúp khối đoàn kết lại đã làm sống lại ý tưởng này. Kết quả cuối cùng là lễ ký kết PESCO hôm 13.11, giúp ý tưởng 70 năm trở thành hiện thực.

Cẩm Bình (theo Reuters, Deutsche Welle)
Bài liên quan
Ukraine cáo buộc Nga tấn công cơ sở vận chuyển khí đốt cho EU
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong đợt tấn công nhắm vào ngành năng lượng nước này ngày 27.4, Nga đã không bỏ qua loạt cơ sở phục vụ hoạt động vận chuyển khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiêu thụ điện lập kỷ lục, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng cao
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, có ngày lên tới gần 1 tỉ kWh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU ký hiệp ước quốc phòng chung