Giữ đúng cam kết của mình, Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 Raptor đến châu Âu nhằm mục đích răn đe Nga.
Chiến đấu cơ F-22 lần đầu tiên được triển khai tới châu Âu
Việc điều động các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Washington được thực hiện theo sáng kiến tăng cường an ninh cho các đồng minh của Hoa Kỳ trong NATO, được nước này công bố năm 2014 và được cho là có liên quan đến tình hình an ninh xung quanh Ukraine.
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết, Tư lệnh lực lượng không quân Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Phi, tướng Frank Gorenko nói rằng, 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22, được mệnh danh là “Chim ăn thịt” đã đến căn cứ không quân Spangdahlem của Mỹ, nằm ở phía tây nước Đức.
Theo viên tướng Mỹ, cuộc triển khai đầu tiên các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất là nhằm tạo điều kiện để Hoa Kỳ sử dụng chúng phối hợp với các máy bay khác của Không lực Hoa Kỳ ở châu Âu như F-15, F-16…, và chiến đấu cơ của các đối tác và thành viên khác của NATO.
Ông nhấn mạnh rằng, việc triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ở châu Âu tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh của các đồng minh.
Ngày 25.8 vừa qua, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ Deborah Lee James cũng đã khẳng định điều này tại cuộc gặp các phóng viên ở Lầu Năm Góc. Cuộc họp báo có mặt cả Tham mưu trưởng Không quân, tướng Mark Welsh.
Tuy nhiên, 2 ông này không nêu thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về nhiệm vụ của các máy bay F-22 triển khai tại châu Âu mà chỉ nói rằng, chúng sẽ tham gia các chuyến bay huấn luyện để hoạch định và thực hành tương tác với đơn vị khác của các nước thành viên NATO.
Chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ năm F-22 Raptor là sản phẩm do tập đoàn Boeing và Lockheed Martin chế tạo, áp dụng công nghệ tàng hình và được đưa vào Không lực Hoa Kỳ từ năm 2005.
Năm ngoái, lần đầu tiên Hoa Kỳ đã lần đầu tiên triển khai loại máy bay này để tiến hành các hoạt động quân sự, trong chiến dịch không kích chống các nhóm chiến binh của “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, không quân Mỹ không thông báo chi tiết về hiệu quả chiến đấu của nó.
|
NATO đã khánh thành Trung tâm Truyền thông chiến lược của khối này ở Riga |
Lo ngại động thái đáp trả cứng rắn của Nga
Mới đây, vào hôm 20.8, NATO cũng vừa khánh thành Trung tâm Truyền thông chiến lược của khối này ở Riga-thủ đô của Latvia, vốn thực tế đã đưa vào hoạt động được một năm. Mục đích của trung tâm là điều phối công việc của NATO, đảm bảo công tác chuẩn bị các chiến dịch thông tin và tâm lý của liên minh.
Lễ khánh thành diễn ra trong sự hiện diện của các Tổng thống Latvia và Litva, ông Raimonds Vejonis và ông Dali Grybauskaite, cũng như các thượng nghị sĩ Mỹ với người đứng đầu là ông John McCain. Ngoài ra, nó còn có sự góp mặt của các đại diện của Ukraine và Gruzia.
Việc NATO xây dựng trung tâm truyền thông tại một quốc gia Baltic, có đường biên giới giáp Nga (thực tế đã được sử dụng trong một năm qua) khiến Moscow cho rằng, đây là động thái nhằm tăng cường tuyên truyền chống lại nước này.
Bình luận về những động thái tăng cường binh lực và cơ sở hạ tầng của Mỹ và NATO xung quanh mình, Nga cho rằng, đó là một hành động khiêu khích, việc Mỹ dự định đặt một kho vũ khí tấn công hạng nặng ở Đông Âu sẽ làm gia tăng sự đối đầu giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần tuyên bố, hành động của Mỹ sẽ dẫn đến việc phá vỡ hoàn toàn điều khoản chính yếu của Hiệp ước cơ sở Nga-NATO ký năm 1997, theo đó khối này cam kết không bố trí thường xuyên các lực lượng lớn trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu.
Chuyên viên Vladimir Batyuk từ Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự của Nga phân tích, kế hoạch này của Mỹ sẽ buộc Nga phải tăng cường lực lượng quân sự của mình ở khu vực phía Tây, do đó dẫn đến sự leo thang đối đầu không chỉ về mặt chính trị mà còn quân sự giữa 2 bên.
Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh này, Moscow có thói quen phản ứng, đáp trả bất kỳ hành động tương tự khác từ phía Washington và các đồng minh , nên việc triển khai các máy bay chiến đấu F-22 chắc chắn sẽ kích thích nước này đưa ra những phản ứng khó lường.
Thứ nhất là nước này có thể đẩy nhanh quá trình chế tạo và chuyển giao cho Không quân các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi PAK FA T-50. Thứ 2 là Nga có thể tăng cường các máy bay ném bom tuần tra tầm xa, có mang theo vũ khí để nâng cao khả năng răn đe.
Nga còn có thể tăng cường tiềm lực hạt nhân trên lãnh thổ nước mình bằng việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-E, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, có thể mang theo các vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Crimea, nhằm thẳng vào các căn cứ NATO xung quanh Nga.
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga không loại trừ rằng, để phản ứng với việc triển khai vũ khí hạng nặng của Mỹ ở Đông Âu, Nga có thể triển khai thêm các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-E, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân tại khu vực Kaliningrad.
Vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa hàng loạt quốc gia NATO như Ba Lan, Litva, Đức, Thụy Điển…, nên việc Nga triển khai tên lửa hạt nhân ở đây sẽ khiến nguy cơ xung đột ngày càng leo thang. Đây là điều quả thực không ai muốn nó xảy ra.
Toàn Thắng/Theo Đất Việt