Đại diện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller cho hay vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong nước, nhưng tốc độ tăng có thể giảm.
“Lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian cho đến khi chúng tôi thấy lạm phát giảm xuống mức mục tiêu. Chúng tôi còn một con đường dài phải đi. Chính sách tăng lãi suất không kết thúc trong 1 hoặc 2 cuộc họp sắp tới”, quan chức Fed Christopher Waller phát biểu tại hội thảo do ngân hàng UBS Group tổ chức ngày 14.11.
Tuy nhiên, ông Waller cho biết họ bắt đầu cân nhắc giảm tốc: chỉ tăng 50 điểm cơ bản ở cuộc họp tháng 12 hoặc cuộc họp sau đó thay vì 75 điểm cơ bản như 4 lần tăng liên tiếp trước.
Waller thuộc nhóm quan chức chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất được ông phát đi sau khi số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước khá khả quan: chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 7,7% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 8,8% tháng 9, lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tháng 10 giảm xuống 0,3%, thấp hơn mức 0,6% tháng 9.
Theo quan chức Waller: “Thật tốt khi cuối cùng cũng thấy được bằng chứng lạm phát bắt đầu giảm. Nhưng chúng tôi cần nhìn thấy xu hướng này tiếp tục trước khi quyết định ngừng tăng lãi suất”.
Với lần tăng mới nhất vào ngày 2.11, lãi suất cơ bản đã lên đến 3,75 - 4%. Giới chức Mỹ vào tháng 9 từng dự báo lãi suất đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023, nghĩa là cuộc họp tháng 12 Fed chỉ tăng 50 điểm cơ bản, cuộc họp đầu năm sau tăng 25 điểm.
Chính sách tăng lãi suất Fed thực hiện cả năm nay có tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới: đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ suy giảm, đồng USD mạnh vì Fed tăng lãi suất kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu (đặc biệt là nhập khẩu năng lượng) đắt hơn, giới đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi quay về Mỹ đầu tư để tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.