UBND tỉnh Cà Mau vừa khai mạc Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 với chủ đề “Festival tôm Cà Mau – nâng tầm thương hiệu Việt”. Sự kiện có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đến từ Trung ương.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Festival tôm Cà Mau – Nâng tầm thương hiệu Việt

Trần Khải 11/12/2023 10:53

UBND tỉnh Cà Mau vừa khai mạc Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 với chủ đề “Festival tôm Cà Mau – nâng tầm thương hiệu Việt”. Sự kiện có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đến từ Trung ương.

Phát huy tiềm năng để phát triển bền vững

Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài 254km, với 3 mặt giáp biển. Địa phương có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL, hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, ngập lợ ven biển và rừng tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ động, thực vật phong phú, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar của thế giới. Đây là tiềm năng, là điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển bền vững.

3....jpg
Mô hình lúa - tôm hữu cơ ở Cà Mau

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên độc đáo đã đem lại cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưu chuộng như: ba khí muối, tôm khô Rạch Gốc, cá thòi lòi, ốc len, vộp (huyện Ngọc Hiển), mật ong U Minh Hạ (huyện U Minh)... Đồng thời, Cà Mau còn giữ được nhiều diện tích rừng đước, rừng tràm nguyên sinh. Đây được xem là chất “kích thích” để thu hút khách du lịch đến với Cà Mau. Địa phương đang mời gọi các nhà đầu tư cùng khai thác lợi thế này.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 600.000 tấn (sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn) chiếm khoảng 22% của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỉ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỉ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ 2 trên thế giới.

tom.jpg
Tôm Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD mỗi năm

“Tỉnh Cà Mau tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, rừng… Nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm - lúa, tôm - rừng... và đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Ngày nay, con tôm đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 được diễn ra tại TP.Cà Mau từ ngày 10 đến 13.12. Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa; là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống; tôn vinh những người đã có công đóng góp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật góp phần sản xuất ra nhiều sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị gia tăng cao; tôn vinh những người đã có công góp phần đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới và tri ân người tiêu dùng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm tôm Cà Mau.

3-nho-duoc-nuoi-bang-thao-duoc-nen-tom-rat-khoe-manh.jpg
Tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế

Festival tôm là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản và những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của các địa phương trở thành những sản phẩm OCOP vô cùng độc đáo, mang nhiều giá trị văn hoá bản địa. Đồng thời, sự kiện còn là nơi hội tụ để giới thiệu các sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương vùng ĐBSCL và một số tỉnh, thành trong cả nước. Sự kiện thể hiện sự khát khao hội nhập của các địa phương, là sự cam kết của tỉnh Cà Mau về nền sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn “môi trường xanh - chất lượng sạch”.

“Thông qua chuỗi sự kiện lần này, Cà Mau mong muốn và cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tiềm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau. Qua đó, góp phần đưa thương hiệu tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Việt nói.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm ĐBSCL 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư cho tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển mới. Chuỗi sự kiện diễn ra nhằm trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ, ký kết hợp tác kinh doanh sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

khai(1).jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại lễ khai mạc Festival tôm Cà Mau

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của cả nước ước đạt hơn 53 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỉ USD.

"Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỉ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỉ USD trong 3 năm gần đây). Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh, còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thông tin.

1-mo-hinh-tom-rung-dat-tieu-chuan-quoc-te-o-xa-vien-an-dong-mang-lai-cuoc-song-on-dinh-cho-nguoi-dan.jpg
Nuôi tôm dưới tán rừng giúp đời sống của người dân Cà Mau khởi sắc

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, giúp người nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

1-ong-tri-kiem-tra-nguon-nuoc-trong-vuong-tom.jpg
Tôm - rừng sinh thái ở Cà Mau đạt nhiều chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, phụ thuộc một số thị trường lớn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê-tan gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định...

2-nuoi-tom-bang-thao-duoc-giup-moi-truong-ao-nuoi-khong-bi-o-nhiem.jpg
Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau

“Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp. Trong đó, có hệ sinh thái ngành tôm. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Festival tôm Cà Mau – Nâng tầm thương hiệu Việt