Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Doanh nghiệp than khó về điện, giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Vinaconex cho biết hiện trạng đất đai tại một số khu vực trong khu còn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến việc đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu chức năng cũng như việc triển khai của một số dự án đầu tư.
Tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc FPT Nguyễn Văn Lộc cũng cho hay FPT là một trong số các nhà đầu tư đầu tiên tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 3 dự án đang triển khai. Hiện Đại học FPT còn 7,6ha, khu công nghệ CNC 1 còn 19ha chưa giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, đại diện FPT cũng nêu khó khăn về giá và cơ chế cho thuê đất. Cụ thể, doanh nghiệp chưa xác định được tiền cho thuê đất, tiền hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng; chưa có hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án.
Ngoài khó khăn giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp cũng nêu khó khăn về hạ tầng. Hiện nay, giao thông kết nối nội thành và Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, các dự án nhà ở, hạ tầng xã hội tại khu chưa có.
Đại diện Công ty Hawha AEno Engines cho hay, kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu vận hành sản xuất thường xuyên xảy ra tình trạng dao động thiếu ổn định điện áp đầu vào, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, chất lượng sản phẩm và thiệt hại cho doanh nghiệp do hàng lỗi, hỏng.
Cụ thể, trong giai đoạn này, số lượng sự cố xảy ra là 28 lần, trung bình số sự cố dao động điện xảy ra hàng năm là 5 - 6 vụ. Do đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chỉ đạo, phối hợp các ban ngành liên quan để có giải pháp ngăn ngừa, xử lý dứt điểm nguyên nhân sự cố, đảm bảo chất lượng điện áp cung cấp cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng tín hiệu sóng điện thoại yếu, không có sóng điện thoại di động trong khu vực nhà xưởng. Cường độ sóng điện thoại đi động quá yếu làm hạn chế, gián đoạn liên lạc trong công việc và xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với các nhà mạng di động có biện pháp cải thiện chất lượng sóng điện thoại di động tại đây…
Vướng mắc không mới nhưng mãi chưa giải quyết được
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cạnh tranh thu hút dự án công nghệ cao ngày càng quyết liệt, các nước có những bước đi mạnh mẽ thu hút dự án công nghệ cao. Do đó, vai trò của cơ chế chính sách khu công nghệ cao vô cùng quan trọng. Đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút nhà đầu tư về đất đai, thu hút nhân lực.
Bà Ngọc nhấn mạnh cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. “Trên thực tế, đây là điểm nghẽn không thu hút được các nhà đầu tư vào khu công nghệ. Mặt khác, cần có chương trình xúc tiến đầu tư có trọng điểm, xúc tiến các tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao”, bà Ngọc nói.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, những khó khăn vướng mắc là những vấn đề không mới, nhưng vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan nên chưa thể giải quyết được.
“Để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm thì chỉ quyết tâm và nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước thôi là chưa đủ, mà rất cần sự đồng hành, hưởng ứng của các nhà đầu tư. Trên tinh thần hợp tác cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, tôi mong rằng các nhà đầu tư sẽ nghiêm túc và quyết tâm thực hiện cam kết đầu tư của mình tại đây”, ông Thanh nêu quan điểm.
Ông Thanh cho biết thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ ưu tiên: Hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024; bố trí thêm nguồn lực để đầu tư hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Khu, chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, tạo điều kiện vật chất tốt nhất cho hoạt động của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cụ thể là đưa các quy định liên quan đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây.
“Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Thanh cho biết UBND Thành phố sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có các giải pháp để sớm đáp ứng các điều kiện về nhà ở và hạ tầng xã hội, giao thông đi lại thuận tiện cho người làm việc trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư các cơ sở hạ tầng Công nghệ cao, trong đó có các Khu thử nghiệm có kiểm soát... để tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy các hoạt động công nghệ cao.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 74/2017/NĐ-CP về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xem xét tái khởi động bố trí văn phòng đăng ký sở hữu trí tuệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu và phát triển.
Ông Thanh cũng đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng xử lý, không để tồn đọng kéo dài và phải có phản hồi sớm đối với các doanh nghiệp.