Từ một cô bé bị bỏ rơi, phải sống trong cô nhi viện thiếu thốn tình thương cha mẹ và những điều kiện vật chất thiết yếu. Gabrielie Chanel đã vượt qua tất cả những khó khăn thách thức đó, để trở thành một gương mặt tiêu biểu của thời đại, người sáng lập ra một trong những hãng thời trang danh tiếng nhất thế kỷ 20.
Tuổi thơ khốn khó và sự nghiệp trải hoa hồng của Chanel
Coco Chanel, tên thật Gabrielle Bonheur Chanel, cô được sinh ra tại Cévennes, Ponteils-et-Brésis, tỉnh Gard. Bố của bà là Albert Chanel và mẹ là Jeanne Devolle. Năm Chanel được 12 tuổi thì mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi, bố thì bỏ nhà đi tìm sự nghiệp ở Mỹ. Chanel cùng hai em gái Julie, 13 tuổi, và Antoinette, 8 tuổi, vào trại mồ côi của tu viện Công giáo La Mã Aubazine - nơi bà đã học may. 6 năm sau, bà rời khỏi tu viện và bắt đầu tham gia hát thuê tại các câu lạc bộ ở Vichy và Moulins. Khách đến đây thưởng thức cợt nhả gọi bà là "Coco", có nghĩa là "con vật nuôi nhỏ”, một từ xuất hiện trong bài hát vui mà bà hay thể hiện. Cũng trong thời gian này, Coco bắt đầu học may vá và với một khả năng thiên bẩm về thời trang, bà đã quan sát và đưa ra nhận định về vấn đề trong các trang phục đang thịnh hành thời bấy giờ: "Quá rườm rà nhưng không hề quyến rũ".
Cuộc đời Chanel mở sang một chương mới khi bà có trong tay một xưởng thiết kế từ tầng trệt căn hộ độc thân của người bạn. Coco trở thành người may mũ nón. Bà bị thiên hạ cười nhạo vì những mẫu áo đầm nữ sinh cách điệu có vẻ sơ sài, hoặc kiểu mũ Boater (mũ may bằng sợi cói, vành tròn, dẹt), vì nó không diêm dúa như những mẫu tân thời mà chỉ trang trí bằng một chùm hạt huyền to. Nhưng, vào những năm thế giới biến đổi đó, Coco đã đi đúng hướng. Thế hệ những cô gái trẻ bất đầu thích trang phục đơn giản va trang nhã của bà hơn là những bộ đầm lộng lẫy với lông chim, tua ren và ngọc trai.
Khi Coco dọn nhà đến phố Cambon ở Paris vào năm 1910, bà mở một tiệm mũ tại số 21 dưới nhãn hiệu Chanel Mode. Người ta đến đó chen chúc, tấp nập và chỉ trong vài năm, bà mua luôn được những căn nhà số 27,29, 31 trên cùng một con đường, làm thành một nhà may thời trang rộng lớn với thương hiệu "Gabrielle Chanel", nhà may đầu tiên tại thành phố Deauville bên bờ biển phía bắc nước Pháp. Người thợ may mũ trẻ tuổi bắt đầu thực hiện một số ít phụ trang nhỏ trên trang phục phụ nữ, mang cảm hứng từ những bộ trang phục của thợ thuyền và thuỷ thủ với phong cách thoải mái, cá tính. Ngay sau đó, Chanel được các quý bà, quý cô sành điệu ở Pháp tín nhiệm đặt thiết kế riêng các trang phục thể thao. Thêm một cơ hội để khẳng định tài năng của mình, và với những thiết kế này, cùng việc sử dụng chất liệu jersey (một loại thun co giãn), hãng Chanel tiếp tục mở rộng tiếng tăm và Coco Chanel ngày càng giàu có. Đầu óc kinh doanh nhạy bén. Coco Chanel đã sử dụng phần nhiều nguồn tài chính của mình để thu mua sợi jersey giá rẻ, thiết kế các trang phục tiện lợi dành cho phụ nữ. Một Chanel mới bắt đầu bước đột phá của mình...
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, khi cả thế giới lao đao thì Chanel lại phát triển một cách rực rỡ. Những thiết kế đơn giản, tiện ích mà không kém phần gợi cảm, có chất liệu co giãn là những gì mà phụ nữ tìm kiếm để có thể thích nghi với những thay đổi của thời cuộc. Lúc này, người ta dần bỏ qua những chiếc áo nịt thắt eo cầu kỳ hay những chiếc váy nhiều tầng lớp. Khách hàng của Chanel có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Vào năm 1919, ở tuổi 36, Coco Chanel trở thành người phụ nữ hiếm hoi thành công trong lĩnh vực thiết kế thời trang dành cho phụ nữ.
Sau chiến tranh, ngành may cao cấp trở thành ngành công nghiệp quan trọng, phục vụ cho tầng lớp tư sản khá giả. Coco tiếp tục mở nhà may ở Biarritz, giới thiệu loại vải thun jersey. Cửa hiệu 31 tại phố Cambon lần đầu tiên tung ra thị trường nước hoa "số 5", sản phẩm nước hoa đầu tiên nổi tiếng của Chanel và hàng loạt nhãn hiệu nước hoa khác. Tiếp nối những bước đi vững vàng của mình vào thương trường đầy cạnh tranh, bà tự tin đứng ra lập công ty nước hoa Chanel vào năm 1924. Vào năm 50 tuổi, Chanel đã nắm trong tay cả một hệ thống những xưởng chuyên ngành phát triển những loại nữ trang tinh xảo dùng cho y phục. Bà sử dụng 4.000 công nhân và bán ra mỗi năm 28.000 mẫu y phục trên khắp thế giới. Từ thương hiệu Mademoiselle, Gabrielle đến Coco, cuối cùng là Chanel, những logo bằng chữ màu vàng kim, màu đen, màu trắng, bà đã vươn lên để tham gia vào hàng ngũ cao cấp nhất của những nhân vật thời trang bấy giờ.
Huyền thoại thời trang của thế kỷ 20
Thành công là vậy, tuy nhiên thế là chưa đủ để Chanel được coi là một huyền thoại của làng thời trang thế kỷ 20. Bước ngoặt cuộc đời bà xảy ra sau cái chết vì một cơn đau tim ác nghiệt của người đàn ông có ý nghĩa nhất trong cuộc đời Chanel - ông Paul Iribe tại chính biệt thự của bà, Chanel gần như suy sụp. Bà đóng cửa hàng loạt những cửa hàng của mình tại Pháp năm 1939 và tuyên bố:"Tôi nghĩ rằng sẽ không còn những bộ y phục nữa". Nhưng thực ra, ngọn lửa đam mê cháy bỏng vẫn âm ỉ trong lòng Coco.
Những năm chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ còn duy nhất cửa hàng 31 âm thầm kinh doanh nước hoa và phụ trang. Mọi thứ dần dần thay đổi: Sự ra đời bộ sưu tập "sắc thái mới" của Christan Dior, như một lời thách thức và phản đề đối với phong cách Coco. Người ta không còn dùng đến những "cô gái ốm nhom" trong những mẫu thiết kế của Coco nữa. Mặc, Chanel vẫn im lặng trong sự tự mãn của những nhà thiết kế mới đang say sưa tin rằng họ đã thống trị được số phận phụ nữ:"Mọi thứ đã gọi là trào lưu dù thế nào cũng sẽ đi qua rất nhanh".
Và đầu năm 1954, Chanel quay trở lại. Người phụ nữ lúc này đã trên 70 tuổi, gương mặt lạnh lùng, nghiêm khắc với đôi lông mày kẻ chì thật đậm vòng dưới mái tóc đen, khinh miệt nhìn thị trường đang cười nhạo và hồ nghi sự trở lại của bà. "Tôi tạo ra thời trang cho một phần tư thế kỷ vì tôi là người của thời đại và điều cực kỳ quan trọng là làm đúng việc và đúng lúc, các kiểu thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách thì tồn tại mãi mãi". Bà về lại nhà may 31, tung ra một bộ sưu tập mới về vét jersey mang tên "số 5": Chiếc jacket mềm không đệm, đính ngọc quý, nút giả trên thân trước, blue bằng lụa, váy cuốn, túi đeo vai may trần... Bộ sưu tập đầu tiên với sắc thái rất Chanel này thực sự là cuộc tái sinh. Lúc ấy, giới báo chí còn đang cao ngạo với Chanel, Dior vẫn đang được hâm mộ cuồng nhiệt. Mặc, chậm rãi và chắc chắn, bộ máy Coco lại chuyển động."Hiện có gì mới? Có Chanel!"đăng trên bìa tạp chí Elle. Chanel đã thuyết phục được người sáng tập tạp chí này ủng hộ cho kiểu dáng trang phục của bà.
Người Mỹ tỏ ra nhanh nhạy hơn người Pháp trong việc nhận ra hiện tượng Chanel. Họ hoan nghênh và lao vào mua Sắm. Nước hoa "số 5" của bà được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York. Sau khi tung ra nước hoa nhẹ dành cho phái nam "Pour monsieur", Chanel được giải Oscar về thời trang, do chủ nhân các cửa hàng bách hoá nổi tiếng Neiman Marcus ở Dallas trao tặng, vì ngưỡng mộ nhà thiết kết có sức ảnh hưởng mạnh nhất của thế kỷ 20, cũng từ những thành công này bà đã được mệnh danh là người phụ nữ huyền thoại trong giới thời trang. Gabrielle Bonheur Chanel mất vào năm 1971. Tuy nhiên, thương hiệu Chanel không vì đó mà tụt lùi. Trái lại, người tiếp tục sự nghiệp của bà là Karl Lagerfeld, một tay nghề may lão luyện. Những bộ sưu tập quần áo may sẵn của ông đã thể hiện được sự dí dỏm trên những mẫu thiết kế truyền thống của Chanel. Thương hiệu này đã và đang tiếp tục tiến lên trên con đường chinh phục thế giới thời trang.
Theo Vang Đen / Pháp Luật & Xã Hội