KCNA cho biết Triều Tiên đang tăng cường sản xuất thuốc và vật tư y tế, bao gồm cả máy khử trùng và nhiệt kế, khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có.

Gần 2 triệu người bị sốt, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất thuốc và vật tư y tế chống COVID-19

Sơn Vân | 19/05/2022, 07:21

KCNA cho biết Triều Tiên đang tăng cường sản xuất thuốc và vật tư y tế, bao gồm cả máy khử trùng và nhiệt kế, khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên - KCNA, nước này cũng đang tăng cường sản xuất các loại thuốc truyền thống dùng để giảm sốt và giảm đau, gọi chúng là "hiệu quả trong việc ngăn ngừa và chữa trị căn bệnh quái ác".

Một làn sóng dịch COVID-19 lan rộng, được Triều Tiên xác nhận lần đầu tiên vào ngày 12.5, đã làm dấy lên lo ngại về việc thiếu nguồn lực y tế và vắc xin, với việc cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh báo về hậu quả tàn khốc với 26 triệu người của họ.

KCNA cho biết thêm ít nhất 262.270 người có các triệu chứng sốt và ca tử vong tính đến tối 18.5, trích dẫn dữ liệu từ trụ sở phòng chống dịch khẩn cấp của Triều Tiên. KCNA không chỉ rõ bao nhiêu người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Đến nay, Triều Tiên đã báo cáo 1.978.230 người có các triệu chứng sốt và 63 trường hợp tử vong, đồng thời áp dụng các biện pháp chống vi rút SARS-CoV-2 nghiêm ngặt.

KCNA cho biết các nhà máy đang tung ra thêm nhiều loại thuốc tiêm, thuốc uống, nhiệt kế và các vật tư y tế khác ở thủ đô Bình Nhưỡng và các khu vực lân cận, trong khi nhiều khu cách ly hơn được thiết lập và công tác khử trùng được tăng cường trên khắp cả nước.

KCNA thông báo: “Hàng nghìn tấn muối đã được vận chuyển khẩn cấp tới thành phố Bình Nhưỡng để sản xuất dung dịch sát trùng”.

Các báo cáo được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un chỉ trích việc phân phối thuốc không hiệu quả và nói các quan chức vì phản ứng "chưa chín chắn" với dịch bệnh.

Không có chiến dịch tiêm vắc xin quốc gia và điều trị COVID-19, các phương tiện truyền thông nhà nước đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh cũng như các biện pháp điều trị tại nhà chưa được kiểm chứng, chẳng hạn như súc miệng nước muối, uống trà lonicera japonica (kim ngân) hoặc trà lá liễu.

Hàn Quốc và Mỹ đã lần lượt đề nghị giúp Triều Tiên chống lại đợt bùng phát dịch, bao gồm cả việc gửi hàng viện trợ, nhưng không nhận được phản hồi. Phó cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc cho biết thông tin này hôm 18.5.

Tuy nhiên, hãng truyền thông Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin hôm 17.5 rằng Triều Tiên đã điều 3 máy bay đến Trung Quốc để nhận hàng y tế.

Theo Yonhap, 3 máy bay Air Koryo từ Triều Tiên đã bay đến thành phố Thẩm Dương (Trung Quốc) vào ngày 16.5 trong các chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Sau đó, 3 máy bay trở lại Triều Tiên cùng với các vật tư y tế vào cuối ngày.

"Họ có thể khai thác thêm các chuyến bay vì số lượng hàng y tế vận chuyển lần này dường như không đủ", Yonhap dẫn lời một nguồn tin đề cập đến Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết không thể xác nhận báo cáo của phương tiện truyền thông rằng Triều Tiên đã điều nhiều máy bay để chở hàng tiếp tế khẩn cấp từ Trung Quốc.

gan-2-trieu-nguoi-bi-benh-trieu-tien-day-manh-san-xuat-thuoc-vat-tu-y-te-chong-covid.jpg
Nhiều người xem TV phát bản tin về đợt bùng phát dịch bệnh ở Triều Tiên, tại một nhà ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 17.5 - Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cho biết đợt bùng phát COVID-19 ở Triều Tiên có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình lương thực vốn đã nghiêm trọng của nước này trong năm nay, vì việc phong tỏa trên toàn quốc sẽ cản trở các nỗ lực chống hạn hán đang diễn ra và việc huy động lao động.

Đợt bùng phát dịch đến khi Triều Tiên đẩy mạnh "cuộc chiến toàn lực" chống hạn hán, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo về tình hình lương thực căng thẳng do đại dịch và các cơn bão năm ngoái.

Truyền thông nhà nước cho biết tuần trước rằng các công nhân nhà máy, thậm chí cả nhân viên văn phòng và quan chức chính phủ đã được cử đi để giúp cải thiện các cơ sở nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước trên khắp đất nước.

Hạn hán và lũ lụt từ lâu đã gây ra những mối đe dọa theo mùa với Triều Tiên và bất kỳ hiểm họa thiên nhiên lớn nào cũng có thể làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Các nhà phân tích nói đại dịch đã cắt giảm hoạt động thương mại và quyên góp lương thực quốc tế, và tại một quốc gia phụ thuộc nhiều vào lao động của con người trong nông nghiệp và thiếu cơ sở hạ tầng công nghiệp và y tế, cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.

Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), nói: “Ở Triều Tiên, hoạt động kinh tế đòi hỏi nhiều sự di chuyển của người dân và bạn không thể trông đợi vào thương mại hoặc viện trợ lớn từ Trung Quốc. Nhưng hiện nay hoạt động canh tác có thể bị thu hẹp lại và việc phân phối phân bón, nguyên liệu, thiết bị sẽ trở nên khó khăn”.

Các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc cùng hầu hết các nhóm cứu trợ khác đã rút khỏi Triều Tiên trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa kéo dài và nói rằng rất khó để đánh giá chính xác tình hình ở đó tồi tệ như thế nào.

Ji Seong-ho, nhà lập pháp Hàn Quốc, cho biết vi rút SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng một phần do thiếu hệ thống y tế hoạt động.

"Sự bùng phát COVID-19 có thể ảnh hưởng nặng nề đến mùa canh tác đang diễn ra và an ninh lương thực có thể trở nên thực sự nghiêm trọng trong năm nay và năm tới", ông nói tại một phiên họp quốc hội.

Các lệnh trừng phạt quốc tế với các chương trình vũ khí của Triều Tiên hạn chế hàng loạt hoạt động thương mại của nước này. Triều Tiên đã phong tỏa biên giới vào đầu năm 2020 để ngăn chặn SARS-CoV-2.

Việc mở cửa trở lại thương mại biên giới vào đầu năm nay đã làm dấy lên một tia hy vọng nhưng bị dừng lại vào tháng 4.2022 do dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, quốc gia gần đây đã áp đặt các hạn chế cực kỳ chặt chẽ ở các thành phố lớn như Thượng Hải. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng hóa được kiểm dịch trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tại các cơ sở cảng biển và đất liền. 

Cheong Seong-chang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của Viện Sejong ở Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên có thể áp dụng các biện pháp hạn chế - không giống các động thái sâu rộng của Trung Quốc - để đảm bảo một số hoạt động tiếp tục, ám chỉ lệnh phong tỏa đến cấp thành phố và quận

Cheong Seong-chang nhận xét: “Nhưng theo thời gian, việc thiếu sự di chuyển giữa các vùng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và sản xuất. Triều Tiên cuối cùng có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và sự bối rối lớn đã thấy ở Trung Quốc gần đây”.

Cơ quan thời tiết của Triều Tiên đã cảnh báo về những đợt khô hạn kéo dài trong tháng này và truyền thông nhà nước đưa tin về "cuộc chiến toàn lực chống hạn hán" trên toàn quốc.

Vào tháng 3.2022, Liên Hợp Quốc đã thúc giục Triều Tiên mở lại biên giới cho các nhân viên cứu trợ và nhập khẩu lương thực, nói rằng sự cô lập ngày càng sâu sắc có thể khiến nhiều người phải đối mặt với nạn đói.

Chương trình Lương thực Thế giới ước tính rằng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, 11 triệu người, tức hơn 40% dân số Triều Tiên, bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ.

Bài liên quan
Tỷ lệ tử vong ở Triều Tiên có thể tăng cao dù quân đội phân phát ‘thuốc quý, thần dược’ cho dân
Triều Tiên hôm 17.5 báo cáo sự gia tăng lớn về số ca bệnh được cho là COVID-19 và khuyến khích thói quen sức khỏe tốt khi quân đội được triển khai để phân phát thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 2 triệu người bị sốt, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất thuốc và vật tư y tế chống COVID-19