Các cơ quan y tế ở Thượng Hải phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn COVID-19 thời gian dài hơn nữa khi không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng 4 ngày liền.

Thượng Hải cảnh giác dù 4 ngày liền đạt Zero COVID, Phó thủ tướng Trung Quốc xoa dịu các hãng công nghệ

Sơn Vân | 18/05/2022, 12:58

Các cơ quan y tế ở Thượng Hải phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn COVID-19 thời gian dài hơn nữa khi không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng 4 ngày liền.

Nhiều người dân đang đếm ngược cho đến ngày 1.6, thời điểm Thượng Hải dự kiến trở lại cuộc sống bình thường.

Trung tâm kinh tế Trung Quốc với 25 triệu dân đã trải qua ngày thứ tư liên tiếp mà không có bất kỳ ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nào trong cộng đồng, giữ nguyên trạng thái Zero COVID và nuôi hy vọng về sự kết thúc sắp xảy ra với tình trạng phong tỏa khắc nghiệt.

Dù không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng nào, các nhà chức trách Thượng Hải sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm ngay lập tức, thay vào đó dần dần nới lỏng các hạn chế cho đến ngày 1.6, với một số cửa hàng được phép mở cửa tuần này và giao thông công cộng dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại một phần vào cuối tuần.

Rất ít người dân nhận được giấy thông hành để đi ra ngoài từ những người quản lý tình nguyện khu dân cư của họ.

"Nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 giữa các nhóm nguy cơ vẫn tồn tại và áp lực ngăn chặn sự bùng phát trở lại vẫn còn rất lớn", Zhao Dandan thuộc Ủy ban y tế Thượng Hải nói với các phóng viên hôm 18.5.

thuong-hai-canh-giac-du-4-ngay-lien-dat-zero-covid.jpg
Nhiều nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng trên đường phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 18.5 - Ảnh: Reuters

Chính quyền quận Từ Hối ở Thượng Hải đã đăng trên mạng xã hội hình ảnh nhân viên trồng hoa dọc theo những con phố vắng vẻ để đảm bảo một môi trường sạch đẹp cho những người "tiếp tục làm việc và sản xuất trong thành phố".

Song ở quận trung tâm Trường Ninh, những đống rác lớn tràn ra đường cho thấy Thượng Hải đã phải vật lộn như thế nào để duy trì các dịch vụ trong thời gian phong tỏa.

Mỹ, châu Âu và các khu vực khác đã dỡ bỏ các hạn chế để sống chung với vi rút SARS-CoV-2 và đưa nền kinh tế của họ đi lên ngay cả khi Omicron lây lan mạnh. Thế nhưng, Trung Quốc đã chọn một con đường hoàn toàn khác, hạn chế việc di chuyển và cách ly người dân nghiêm ngặt để chấm dứt bất kỳ đợt bùng phát dịch phát nào, bất kể việc đó khiến nền kinh tế suy yếu.

Đánh bại biến thể Omicron có khả năng truyền tải cao là một trận chiến khó khăn, như cuộc đấu tranh ở thủ đô Bắc Kinh trong tháng qua đã cho thấy.

Các nhà chức trách Bắc Kinh hầu như đều phát hiện hàng chục ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày kể từ 22.4.

Trong khi hầu hết người dân Bắc Kinh đang làm việc tại nhà, ít nhất họ có thể đi lang thang bên ngoài, dù có ít nơi để đi, vì nhiều cửa hàng, phòng tập thể dục và các cơ sở kinh doanh khác đã đóng cửa ở một số quận.

Lin Cong (27 tuổi, sống ở quận Triều Dương, Bắc Kinh) cho biết: “Tôi rất vui vì chúng tôi không bị buộc phải ở nhà như tại Thượng Hải nhưng vẫn khá thất vọng về những gì đang xảy ra, vì hầu hết các quốc gia đã dịch chuyển từ COVID-19. Thật khó để chấp nhận khi bạn bè của tôi ở các nước khác có thể đi lại và di chuyển tự do mà không cần khẩu trang, trong khi bạn không biết khi nào mình trở lại cuộc sống bình thường”.

Giảm sút thu nhập

Thượng Hải báo cáo ít hơn 1.000 ca COVID-19 mới vào ngày 17.5, tất cả đều ở các khu vực được kiểm soát chặt chẽ nhất, không có trường hợp mới nào được tìm thấy trong các cộng đồng tương đối tự do hơn trong ngày thứ tư liên tiếp.

Trong khi Bắc Kinh ghi nhận 69 ca COVID-19 hôm 17.5, tăng từ 52 trường hợp so với một ngày trước đó.

Chính sách Zero COVID không khoan nhượng của Trung Quốc đã đặt hàng trăm triệu người ở hàng chục thành phố dưới nhiều hạn chế khác nhau và làm gián đoạn sự phục hồi toàn cầu trong sản xuất mọi thứ, từ điện thoại di động đến ô tô điện.

Nhiều công ty, từ Apple đến Tesla, đều đã bị ảnh hưởng.

Tập đoàn thương mại điện tử JD.com đã báo cáo doanh thu tốt hơn mong đợi khi nhiều người mua sắm trực tuyến hơn do hạn chế COVID-19, nhưng họ thận trọng về triển vọng của mình, nói rằng người tiêu dùng đang mất thu nhập, chưa kể hậu cần bị gián đoạn.

Tuy nhiên, tình cảm của nhà đầu tư với JD.com và các hãng cùng ngành đã được cải thiện sau bình luận của Phó thủ tướng Lưu Hạc đưa ra tại cuộc họp hôm 17.5 với các lãnh đạo hãng công nghệ. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng một cuộc đàn áp quy định với lĩnh vực này sẽ giảm bớt.

Việc thắt chặt bằng quy định chưa từng có với các hãng công nghệ Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2020, đã tước đi hàng tỉ USD giá trị thị trường của các công ty và đè nặng lên động lực tăng trưởng quan trọng.

Tuy nhiên, một lĩnh vực công nghệ tự do hơn sẽ không bù đắp được những khó khăn mà Trung Quốc đang gặp phải từ COVID-19, sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản, địa chính trị và chi phí đi vay tăng ở Mỹ cùng những nơi khác.

Dữ liệu kinh tế tuần này cho thấy mức tiêu thụ và sản lượng nhà máy của Trung Quốc đã giảm trong tháng 4.2022 với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020, khi vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán vào cuối 2019, sau đó bắt đầu lây lan ra toàn cầu.

Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc có thể sẽ phải vật lộn để đạt được giai đoạn phục hồi nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến chính sách Zero COVID.

Phó thủ tướng Trung Quốc xoa dịu các hãng công nghệ, nói hỗ trợ niêm yết ở nước ngoài

Phó thủ tướng Trung Quốc – Lưu Hạc đã đưa ra những bình luận nhẹ nhàng với các lãnh đạo hãng công nghệ vào hôm 17.5, nói rằng chính phủ hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực này và niêm yết công khai cho các công ty - dấu hiệu cho thấy việc đàn áp với lĩnh vực này đang giảm bớt.

Ông Lưu Hạc đang phát biểu tại cuộc họp do Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tổ chức.

Đoạn video về cuộc họp do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV phát sóng cho thấy nhà sáng lập công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu (Lý Ngạn Hoành) và hãng sản xuất phần mềm bảo mật di động Qihoo 360 (Chu Hồng Y) cũng tham dự.

Cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông và Mỹ đã tăng vào ngày 17.5 sau khi tin tức về cuộc họp xuất hiện.

Ông Lưu Hạc nói tại cuộc họp rằng Trung Quốc sẽ tìm cách "quản lý đúng đắn" mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường.

CCTV dẫn lời ông Lưu Hạc cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ các hãng công nghệ theo đuổi việc niêm yết ở cả trong và ngoài nước, tìm cách hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nền tảng.

Nền kinh tế nền tảng đề cập đến các nền tảng kỹ thuật số, bao gồm cả những nền tảng được sử dụng để tiến hành thương mại trực tuyến, một động lực chính của hoạt động kinh tế.

Bình luận của ông Lưu Hạc được đưa ra khi các biện pháp hạn chế COVID-19 và những bước khác để chống lại đại dịch đã tàn phá không ít doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trên nhiều lĩnh vực, làm tăng thêm lo ngại cho nền kinh tế số hai thế giới trong quý 2/2022.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, mà các nhà kinh tế tư nhân cho rằng sẽ khó thành công nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ.

thuong-hai-canh-giac-du-4-ngay-lien-dat-zero-covid1.jpg
Phó thủ tướng Lưu Hạc nói chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ - Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp hôm 17.5, ông Lưu Hạc cũng cho biết Trung Quốc muốn cuộc chiến giành "các công nghệ cốt lõi quan trọng" được diễn ra tốt đẹp, CCTV nói thêm.

CCTV cho biết cuộc họp được tổ chức để thảo luận về cách thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và có sự tham dự của gần 100 thành viên.

Ngân hàng Citi (Mỹ) cho rằng cuộc họp gợi ý một tín hiệu điều tiết tích cực khác cho nền kinh tế nền tảng và "thái độ hỗ trợ" cho các công ty internet đang tìm kiếm niêm yết ở thị trường nước ngoài.

Lý Ngạn Hoành và Chu Hồng Y là thành viên CPPCC, tổ chức này tập hợp những người nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, nghệ thuật và học thuật để thảo luận các vấn đề với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế một loạt các ngành công nghiệp tư nhân như một phần của nỗ lực ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định chống độc quyền và quy tắc bảo mật dữ liệu, cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng đe dọa mục tiêu "thịnh vượng chung" của chính quyền.

Song những hạn chế với thương mại điện tử, giáo dục tư nhân và lĩnh vực bất động sản đã gây ra thiệt hại về kinh tế và kể từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp trong khi phải vật lộn với việc phong tỏa nghiêm ngặt.

Ông Lưu Hạc đã đi đầu trong các nỗ lực của chính phủ để trấn an khu vực tư nhân.

Tháng trước, trong cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, bao gồm cả nền kinh tế nền tảng.

Bài liên quan
Phong tỏa khắc nghiệt ở Thượng Hải, dân sợ không có kết thúc, chuyên gia nói câu giờ để tiêm vắc xin
Căng thẳng gia tăng trở lại khi các vụ phong tỏa tiếp tục diễn ra và người dân thành phố Thượng Hải mệt mỏi với chính sách Zeo COVID nghiêm ngặt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng Hải cảnh giác dù 4 ngày liền đạt Zero COVID, Phó thủ tướng Trung Quốc xoa dịu các hãng công nghệ