Trước đó, bệnh nhân vừa bị sốc thuốc gây mê ở bệnh viện tuyến dưới. Nhưng để phẫu thuật kịp thời, việc gây mê là không thể trì hoãn, và các bác sĩ tuyến trên đã xử lý thành công.

Gây mê để phẫu thuật cho bệnh nhân vừa bị… sốc thuốc mê

15/04/2020, 12:06

Trước đó, bệnh nhân vừa bị sốc thuốc gây mê ở bệnh viện tuyến dưới. Nhưng để phẫu thuật kịp thời, việc gây mê là không thể trì hoãn, và các bác sĩ tuyến trên đã xử lý thành công.

Các bác sĩ căng thẳng xử lý ca bệnh khó này - Ảnh: Phong Phạm

Sáng 15.4, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức vừa gây mê cho một bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu, đã bị sốc phản vệ với thuốc gây mê ở tuyến trước.

Bệnh nhân là bà Bùi Ngọc Th. (SN 1978, ngụ H.Phú Tân, tỉnh Cà Mau), đau bụng 3 ngày ở hạ sườn phải, nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày 10.4. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật, nên được chỉ định mổ cấp cứu. Sau khi gây mê khoảng 5 phút bằng Fentanyl, Propofol, Notrium, da bệnh nhân nổi mẩn đỏ, xanh tái toàn thân, mạch nhanh nhẹ khó bắt.

Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, sau đó tình trạng sinh hiệu ổn dần và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vào chiều 11.4.

Xác định đây là trường hợp bệnh nặng và khó, nên các bác sĩ đã hội chẩn nhiều chuyên khoa với chẩn đoán: viêm túi mật cấp do sỏi kẹp cổ túi mật/bệnh nhân sốc phản vệ do thuốc gây mê. Do đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu với phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản.

Ê kíp gây mê do BSCK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức đã xử trí: sử dụng Corticoid đường tĩnh mạch và thuốc kháng Histamine kháng H1 tiêm tĩnh mạch trước khi chuyển lên phòng mổ 30 phút. Các bác sĩ gây mê đã tiến hành khởi mê nhưng sử dụng thuốc giãn cơ là Rocuronium 30mg pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm, thời gian gây mê là 50 phút, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân trong suốt cuộc mổ luôn ổn định.

Ê kíp phẫu thuật do Ths-BS Nguyễn Thanh Quân đã tiến hành mổ nội soi cho bệnh nhân. Bụng có ít dịch dưới gan, túi mật căng to, thành dầy, vùng cổ túi mật có 1 viên sỏi to, ống mật chủ không giãn. Các bác sĩ đã cắt túi mật qua nội soi, thời gian phẫu thuật là 40 phút. Sáng 15.4, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, bụng mềm, vết mổ khô, dự kiến ra viện trong ngày 16.4.

Sự thành công của ca phẫu thuật có được là do phối hợp nhiều yếu tố: chẩn đoán nhanh và xử trí kịp thời theo đúng phác đồ sốc phản vệ của tuyến dưới, phối hợp tốt của ê kíp gây mê hồi sức và phẫu thuật viên. Đặc biệt quan trọng nhất là việc gây mê hồi sức đối với bệnh nhân này.

Đội ngũ gây mê đã xử trí thành công 1 trường hợp khó là gây mê cho 1 bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu mà bệnh nhân vừa có sốc phản vệ do thuốc gây mê ở tuyến trước, xảy ra trong 24 giờ đầu. Theo lý thuyết bệnh nhân này phải được tiếp tục theo dõi ở đơn vị hồi sức, nhưng thời gian không cho phép vì túi mật dọa hoại tử nên phải tiến hành gây mê lần 2 mặc dù có nhiều nguy cơ và rủi ro.

Kết quả là người bệnh được đảm bảo an toàn trong suốt cuộc mổ. Người bệnh này khi xuất viện sẽ được bác sĩ thông tin về thuốc đã dị ứng, gửi bệnh nhân đến bác sĩ miễn dịch để có thăm dò chuyên sâu.

Theo BSCK2 Trần Huỳnh Đào: “Gây mê là tình huống mà bệnh nhân bị phơi nhiễm với nhiều loại thuốc và các thuốc đều sử dụng đường tĩnh mạch nên triệu chứng dị ứng hay phản vệ đều xảy ra rất nhanh. Phản ứng dị ứng trong gây mê chiếm 1/6.500 đến 1/13.000 trường hợp, trong đó thuốc giãn cơ có tỷ lệ sốc phản vệ cao nhất so với nhóm thuốc ngủ, thuốc phiện, kháng sinh, và có thể có những biến chứng chết người với biểu hiện lâm sàng hết sức đa dạng.

Tùy vào mức độ nặng của phản vệ mà bệnh nhân có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, mề đay, khò khè, khó thở, trường hợp nặng có thể khiến ngưng tim, tụt huyết áp, phù mạch và tử vong ngay trên bàn mổ. Do đó, cần chẩn đoán sớm và xử trí phản ứng phản vệ kịp thời là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi bác sĩ gây mê hồi sức.

Việc dự phòng phản vệ trong quá trình gây mê hồi sức đóng vai trò sống còn, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng thuốc trước đó. Nếu là phẫu thuật cấp cứu, các bệnh nhân sẽ được tiến hành gây mê và phẫu thuật trong điều kiện đặc biệt, hạn chế tối đa các tác nhân có thể dẫn đến dị ứng.

Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật, sinh hiệu và các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân cũng sẽ được các bác sĩ gây mê hồi sức theo dõi sát sao, nhằm phát hiện kịp thời những bất thường xảy ra nhằm xử trí phù hợp.

Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong: “Ít người biết được khâu gây mê quyết định rất lớn đến thành công của ca phẫu thuật. Người khống chế để thuốc mê đủ tác dụng cho ca mổ mà không để thuốc mê làm hại bệnh nhân chính là bác sĩ gây mê. Không có công thức chung nào, chỉ bằng tài năng, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm, các bác sĩ gây mê sẽ giúp người bệnh có cuộc mổ êm dịu nhất”.

Phong Phạm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
39 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gây mê để phẫu thuật cho bệnh nhân vừa bị… sốc thuốc mê