“Trong trường hợp một đất nước cơ bản là sản xuất gia công không nên coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Trong một số trường hợp GDP càng tăng thì càng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

GDP không phải là chỉ tiêu duy nhất đế đánh giá sức khỏe kinh tế

Trí Lâm | 12/06/2017, 15:26

“Trong trường hợp một đất nước cơ bản là sản xuất gia công không nên coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Trong một số trường hợp GDP càng tăng thì càng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Cẩn trọng việc tăng tín dụng để tăng trưởng

Câu chuyện giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017 “nóng” trên nhiều diễn đàn thời gian qua và không ít ý kiến trái chiều. Tại Quốc hội, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo đạt mục tiêu 6,7% cả năm 2017 là tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng.

Vị này cho rằng, với mức tăng tín dụng 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, đại biểuTrần Anh Tuấn (TP.HCM) lại cho rằng nên cẩn trọng với giải pháp này. Theo đó, nên ưu tiên nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa tiền tệ cho nền kinh tế hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn.

Theo vị này, từ năm 2013 tới nay thì Chính phủ đang thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, chỉ số đầu tư về ngân sách tăng, năm 2016 tăng 5,2% so với kế hoạch; Bội chi có xu hướng tăng, bình quân năm 2011- 2015 là 5,2%, năm 2016 là 5,64% cao hơn kế hoạch; mặt bằng thuế suất thì có xu hướng điều chỉnh xuống, tức là đang cung tiền cho nền kinh tế rất mạnh; Chính sách tiền tệ thì độ sâu tài chính M2/GDP cũng tăng thông qua tín dụng tăng trưởng cho nền kinh tế thì từ năm 2013 trở lại đây tăng 18%. Tất cả những chính sách mở rộng này sẽ tăng lượng cung tiền cho nền kinh tế và mở rộng phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, một nghịch lý ở đây là việc huy động trái phiếu Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ từ năm 2016 thì 60.000 tỉ đồng, năm 2017 khoảng 50.000 tỉ đồng. Việc giải ngân về vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 thì giải ngân chưa hết, chuyển qua năm 2017 là 12.500 tỉ đồng. Riêng năm 2017 tới nay thì giải ngân chỉ được 10,4% kế hoạch.

“Chúng ta hút tiền ở nền kinh tế vào mà chúng ta lại giải ngân chậm tức là triệt tiêu chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng của nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

Mặt khác, ông Tuấn cho rằng gánh năng nợ công khiến áp lực trả nợ ngày càng tăng, việc huy động nguồn lực của nền kinh tế vào vừa để ngăn chặn, vừa phục vụ cho việc trả nợ công làm cho chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng bị triệt tiêu, hiệu quả việc thực thi chính sách tiền tệ bị hạn chế và tác động tới tăng trưởng kinh tế.

GDP quan trọng đến đâu?

Trao đổi với phóng viên báo điệntử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng bản chất của GDP được hiểulà tổng nhu cầu cuối cùng (final demand) và chỉ tiêu này thường phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn và nhất thời. Thậm chí, nếu tăng lương hoặc tăng biên chế, đầu tư tràn lan không cần tính đến hiệu quả, tình trạngbong bóng bất động sản… cũng làm tăng GDP. Tất nhiên, hệ quả tất yếu của cách tăng trưởng đó là nguồn lực chung của nền kinh tế yếu đi.

Do đó, trong trường hợp một đất nước cơ bản là sản xuất gia công không nên coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sứckhỏe của nền kinh tế. Trong một sốtrường hợp GDP càng tăng càng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế.

“GDP tăng do tăng lương, do chi thường xuyên để nuôi bộ máy, do đầu tư dàn trải hay các công trình như cổng chào, đài tưởng niệm…đều là tăng GDP. Việc tăng chỉ trong nhất thời nhưng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế, khi nguồn lực giảm thì hậu quả tất yếu là phải đi vay và nợ nần tăng lên. Với một nền kinh tế như vậy đến một lúc nào đó sẽ rất nguy hiểm”, ông Trinh nói.

Nêu ví dụ, chuyên gia này cho rằng, với phần đóng góp từ hoạt động của Samsung (và hầu hết các DN FDI khác) trongGDPkhông thể hiện phần thu nhập của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Samsung; phần lợi nhuận được Samsung mang về nước hoặc tái đầu tư không ở Việt Nam nhưng GDP của Việt Nam tính cả các khoản này.

Nêu ý kiến về việc khai thác thêm dầu để thúc đẩy tăng trưởng, ông Bùi Trinh cho biết, theo nguyên tắc về thường trú trong tính toán GDP, phần giá trị gia tăng của khai thác dầu khí đều được tính cả vào trong GDP nhưng trong quá trình phân phối lại, một nửa lượng khai thác phải phân phối lại cho nước khác. Cái Việt Nam nhậnđược chỉ gần một nửa nhưng tài nguyên của đất nước thì mất đi.

“Điều này giống hệt trường hợp một gia đình được tổ tiên để lại của cải nhưng các cụ cất rất kỹ, do không biết khai thác nên gia đình này phải nhờ hàng xóm sang lấy hộ và phải chia cho anh hàng xóm một nửa. Tuy bản chất là mất của nhưng lại chạy đi khoe “năm nay gia đình tôi làm ăn tấn tới…”, ông Trinh ví von.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Thời gian và nguồn lực có hạn, làm việc nào cần dứt điểm việc đó
“Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn”, Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GDP không phải là chỉ tiêu duy nhất đế đánh giá sức khỏe kinh tế