Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giá cà phê cao kỷ lục, mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỉ USD không khó

Bài và ảnh: Tuyết Nhung 30/03/2024 21:11

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây.

Thông tin trên được ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỉ USD" ngày 30.3.

432956223_802977535073013_2822172425463246879_n.jpg
Giá cà phê xuất khẩu đang ở mức cao kỷ lục

Theo ông Nam, niên vụ 2022-2023 và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã bán cà phê ở giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn doanh nghiệp phải mua giá cao để trả đơn giá thấp ký trước đó.

Trước đó, một thời gian dài không vượt được ngưỡng 50.000 đồng/kg, nhiều người đã chặt cà phê để trồng cây khác. Sang năm 2024, giá cà phê tăng gấp đôi, nhiều doanh nghiệp phải khó khăn mới mua được cà phê xuất khẩu. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỉ USD là không khó.

Cũng trong làn sóng giá cà phê tăng cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều nhà mua hàng cảnh báo nếu doanh nghiệp xuất khẩu không giao hàng đúng hạn thì họ tìm nguồn cung khác.

"Thực tế, cà phê Việt Nam không thể thay thế được, bản thân công ty tôi đã thử mua cà phê từ nước khác về làm cà phê hòa tan nhưng không thể ra được vị của cà phê hòa tan Việt Nam, dẫn đến thị trường thế giới không chấp nhận. Trong khi đó, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu. Tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, gần như doanh nghiệp lớn ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững", ông Nam cho hay.

434209466_786359356723187_2207188012111570065_n.jpg
Chất lượng cà phê Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê khẳng định với mức giá hiện nay, không cần bàn giải pháp gì nữa ngành cà phê cũng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 3.2024, xuất khẩu cà phê gần 799.000 tấn, đạt tổng kim ngạch 1,9 tỉ USD. Với giá xuất khẩu hiện nay từ 3.500-4.000 USD/tấn, nếu tính một cách máy móc cả năm nay sẽ đạt khoảng 5 tỉ USD.

Dù vậy, thạc sĩ Nguyễn Quang Bình cho rằng giải pháp để ngành cà phê phát triển bền vững là cần thiết. Bởi mới đây EU đã đưa ra luật chống phá rừng, áp dụng nhiều điều kiện đối với một số sản phẩm nông nghiệp. Do đó, cần lưu ý giá trong nước, giá nội địa vì lý do gì mà tăng cao, gây khó khăn cho xuất khẩu?

Theo vị chuyên gia này, giá cà phê tăng nông dân được hưởng lợi, nhưng câu chuyện không chỉ năm nay mà còn những năm sau, ngành cà phê sẽ gặp khó khăn nếu không đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chứ không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu. Ông cũng cho rằng cần có sự hợp tác của ngành ngân hàng.

"Đơn cử, ở các nước khác, nếu có 6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ phải bỏ 600 triệu USD vào quỹ cho việc thu mua. Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ để phát triển ngành như việc tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty có tiền thu mua. Bởi khó khăn lớn nhất về tín dụng, vốn mà các doanh nghiệp cà phê hiện nay vẫn còn hậu quả", ông Bình đề xuất.

Một giải pháp khác là sản xuất, chế biến cà phê đặc sản. Đơn cử, 1 tấn cà phê thường có giá 4.000 USD/tấn, thì giá cà phê đặc sản ít nhất là 6.000 - 8.000 USD/tấn, nên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê đặc sản để nâng cao giá trị của hạt cà phê.

Sản phẩm cà phê Việt đã hiện diện ở nhiều hệ thống phân phối trên thế giới và được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá khá cao. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.

Việt Nam có 9 triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 4 triệu héc ta dành cho cây cà phê và nhiều cây trồng khác. Khi giá cà phê chưa lên 100.000 đồng/kg thì cả nước có 714.000ha cà phê, đến nay giá cà phê tăng lên 100.000 đồng/kg, diện tích trồng cà phê chỉ còn khoảng 660.000ha.

Bài liên quan
Làm cà phê chất lượng là hướng phát triển mang lại giá trị bền vững cho cây cà phê
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới nhưng chủ yếu vẫn đang xuất khẩu cà phê thô chưa có thương hiệu rõ ràng. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc hái cà phê xanh sẽ ảnh hưởng rất tai hại đến chất lượng cà phê Việt trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá cà phê cao kỷ lục, mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỉ USD không khó