Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai 2024 là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Việt kiều 'rộng cửa' mua nhà đất ở Việt Nam, thị trường BĐS sẽ bùng nổ?

Tuyết Nhung 18:49 30/03/2024

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai 2024 là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Việt kiều "rộng cửa" mua nhà đất ở Việt Nam

Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm, bắt đầu từ ngày 1.7.2024, trong đó điểm mới đáng lưu ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.

bds.jpg
Luật Đất đai 2024 sẽ mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài - Ảnh: IT

Theo Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn hiệu lực, có sự phân biệt giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" khi tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, Điều 4 của Luật Đất đai năm 2024 quy định về người sử dụng đất, đã xếp "cá nhân trong nước" và "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" cùng một nhóm, gọi chung là "cá nhân". Ngoài ra, quy định về người sử dụng đất cũng bổ sung thêm nhóm "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Như vậy, liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài hay gọi chung là Việt kiều sẽ có 2 nhóm đối tượng được Luật Đất đai 2024 công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện, đó là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" và "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định về nhận quyền sử dụng đất, cho phép người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Khoản c) và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế (Khoản h).

Tuy nhiên, cần lưu ý, một trong những điều kiện bắt buộc để người gốc Việt Nam được quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở theo các quy định nêu trên là họ phải được phép "nhập cảnh vào Việt Nam"; thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.

Luật Đất đai 2024 đã mở rộng rất nhiều về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho kiều bào. Khi luật chính thức có hiệu lực, Việt kiều sẽ được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước. Nhiều người sẽ chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam.

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai 2024 mới được thông qua là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi dòng kiều hối trong năm 2023 đạt mức hơn 16 tỉ USD, tăng mạnh 32% so với năm 2022.

Có thể nói, thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trước kia, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.

Chị Huyền Phạm, một việt kiều Mỹ vừa về Việt Nam được 1 tháng, chị đang tìm một mảnh đất rộng khoảng 1.000m2 để kinh doanh và ở. Chị vừa có nhu cầu mua chung cư để cho thuê, vừa có nhu cầu mua đất để xây dựng kinh doanh.

"Nghe tin giá nhà đất giảm, Luật Đất đai 2024 mới được thông qua, không chỉ tôi mà rất nhiều người bạn của tôi hiện đang định cư ở nước ngoài cũng trở về nước tìm mua bất động sản. Chỉ cần chi 4-5 tỉ đồng là có thể sở hữu một căn chung cư ở Hà Nội vừa tiện làm việc, vừa tiện sinh sống. Trên thực tế, tôi thấy giá nhà ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, Canada hay Úc... Vừa đặt chân về Việt Nam, tôi đã cùng với em gái mình đi tìm mua đất. Cuối cùng, tôi đã tìm mua được một mảnh đất rộng 1.500m2 ở gần sân bay Nội Bài với mức giá rẻ hơn 20 lần ở Mỹ hoặc Canada. Tóm lại, tôi rất ưng ý, sau khi xong thủ tục, giấy tờ và hoàn tất xây, tôi sẽ chuyển về Việt Nam ở luôn", chị Huyền Phạm cho hay.

Không chỉ chị Huyền, anh Nam Nguyễn, một việt kiều Úc cũng chia sẻ nghe tin luật mới được thông qua cho phép việt kiều mua nhà ở Việt Nam, tính toán chi phí bỏ ra rẻ hơn 1/4 so với đầu tư tại nơi đang sống, Nam Nguyễn đã quyết định chi 3,5 tỉ đồng mua chung cư ở Đà Nẵng.

"Tôi vừa đặt mua một căn chung cư 3,5 tỉ đồng ở Đà Nẵng, cộng cả nột thất, sửa sang mọi thứ là 4,2 tỉ đồng với hơn 100m2, mức giá này hoàn toàn không có ở nhiều nước khác. Nhìn chung, chỉ với từ 200.000 - 300.000 USD là mình có thể mua một căn hộ đẹp ở Việt Nam rồi. Với một căn hộ diện tích tương tự mà mua ở Mỹ thì mức giá phải đến hơn 1 triệu USD, ở Úc có thể tới 700.000 đô la Úc, ở Philippines mức giá cũng phải tới 500.000 USD", anh Nam Nguyễn cho hay.

Anh cũng cho biết thêm, dù không sống ở Đà Nẵng thì anh vẫn có thể cho người nước ngoài thuê căn chung cư với giá 25 triệu đồng/tháng. Không chỉ anh Nam Nguyễn hay chị Huyền Phạm, tìm hiểu mua bất động sản ở Việt Nam từ đầu năm 2024 là việc rất nhiều việt kiều Úc, Singapore, Canada, Anh... thực hiện trong thời gian qua để tích lũy lúc nghỉ hữu. Nhiều điểm đến được họ chọn mua như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Quy Nhơn...

Nhiều kiều bào muốn về nước định cư

Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từng chia sẻ tại một hội thảo về mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều, cho biết rất nhiều kiều bào muốn về nước định cư, đầu tư nhưng không biết được sở hữu bất động sản thế nào.

Theo ông, có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn 1 triệu người thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời. Còn một khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC) cho thấy khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống, trong đó đa số chọn TP.HCM.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, lượng kiều hối chảy về TP.HCM cao kỷ lục với 9,46 tỉ USD, tăng 43% so với năm 2022 và chiếm hơn một nửa lượng kiều hối trên cả nước. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ở mức 14 tỉ USD, trong khi Ngân hàng Nhà nước ước tính lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 tăng từ 25 - 30% so với năm 2022.

Số liệu công bố tại hội thảo "Nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều" được tổ chức gần đây cũng cho biết hiện có trên 10 triệu người Việt Nam ở trên 200 quốc gia (Việt kiều), trong đó có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích sản và trong số đó hơn 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống.

Theo Luật Đất đai 2024, một trong những điều kiện bắt buộc để người gốc Việt Nam được quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở theo các quy định nêu trên là họ phải được phép "nhập cảnh vào Việt Nam"; thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam. Có thể khẳng định luật Đất đai 2024 đã mở rộng rất nhiều về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho kiều bào. Tuy nhiên, các quy định đó để triển khai trên thực tế là cả một vấn đề lớn. Không phải các nội dung điều luật đều có thể dễ dàng triển khai do còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thực tiễn thi hành bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức có thẩm quyền... Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có nghị định riêng, hướng dẫn, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, điều kiện để người gốc Việt thuận lợi hơn trong việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam.

Bài liên quan
Luật Đất đai 2024: Nêu bật trách nhiệm của nhà nước trong cấp 'sổ đỏ' với đất không giấy tờ
Điều 138 Luật Đất đai 2024 quy định về trách nhiệm của nhà nước phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả người sử dụng đất. Đây là thay đổi rất lớn, rất căn bản trong công tác quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt kiều 'rộng cửa' mua nhà đất ở Việt Nam, thị trường BĐS sẽ bùng nổ?