Giá điện tăng 4,5% làm cho giá vốn hàng hoá tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã tiếp tục tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) tăng 4,5% so với mức 1.920,3732 tương ứng tăng thêm 86,41 đồng/kWh từ ngày 9.11.2023. Tổng cộng hai lần tăng giá điện trong năm nay, EVN đã thực hiện tăng thêm 142,35 đồng/kWh.
Điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên điện nếu tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, còn tăng 4,5% thì CPI tăng 0,158%. TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng chia sẻ nếu giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp).
Như vậy, nếu điện tăng 4,5% thì GDP có thể giảm khoảng 0,2% và CPI tăng 0,25%. Nếu xét mức tăng từ đầu năm, tương ứng giá điện đã tăng 7,6% thì GDP có thể giảm khoảng 0,34% và CPI tăng 0,43%.
Việc tăng giá bán lẻ điện xét trên nhiều phương diện, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực: Xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ngày 14.11 trao đổi với báo chí cho biết giá điện dù điều chỉnh ở mức nào, cũng sẽ có những tác động nhất định đến sản xuất, đời sống. Với mức điều chỉnh 4,5%, giá điện sẽ tác động đến lạm phát 2 vòng: Vòng 1 là trực tiếp và vòng 2 là tác động đến các ngành nghề khoảng 0,29%.
Với các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện năng như thép và xi măng, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động như sau: Làm tăng giá thành sản xuất thép khoảng 0,27%; xi măng khoảng 0,67%; dệt may khoảng 0,58%...
"Với người tiêu dùng, theo tính toán của Bộ Công Thương, tùy từng bậc thang, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm chi phí tiền điện từ 3.900-55.000 đồng; còn tôi tính bình quân, mỗi hộ sử dụng điện trên 200kWh, sẽ phải trả thêm khoảng 18.600 đồng...", ông Thỏa cho hay.
Theo ông Thỏa, năm 2023 sản xuất của ngành điện gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả những biến động về nguồn điện, nguyên liệu đầu vào... đã làm cho giá thành của ngành điện tăng rất cao. Nếu tính đúng, tính đủ, giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành khoảng 178 đồng/kWh, tức cao hơn 9,27%.
Tuy nhiên, với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ngày 9.11, tăng thêm 4,5% là mức có kiềm chế, có tính toán đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, lường trước đến những tác động đối với sản xuất, đời sống, để không tác động quá bất lợi đến việc chúng ta tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
"Có thể nói, cả 2 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 đều chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất cho ngành điện. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay Quốc hội đề ra là tăng 4,5%; trong đó, bình quân 10 tháng qua, lạm phát ở mức 3,2%. Như vậy, còn dư địa để điều chỉnh giá điện mà lạm phát vẫn được kiểm soát", ông Thỏa cho hay.
Vì vậy, để sử dụng điện hợp lý đối với sản xuất, vị chuyên gia này khuyến nghị cần phải tính toán, chuyển đổi ca sản xuất vào những khung giờ thấp điểm, khung giờ có giá điện rẻ nhất; chuyển đổi dây chuyền sản xuất tiêu thụ ít năng lượng...
Về việc giá điện tăng thêm 4,5% đã đủ bù đắp các khoản chi phí tăng thêm trong giá thành điện hay chưa, ông Nguyễn Đình Phước - Kế toán trưởng EVN cho biết, việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỉ đồng.
Số tiền này giúp tập đoàn giảm bớt khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành. Tuy nhiên để đảm bảo an sinh xã hội, tập đoàn đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế.
Cũng theo đại diện EVN, trong cơ cấu giá thành hiện nay, chi phí mua điện chiếm 83% chi phí giá thành của ngành điện. Gần 17% còn lại là chi phí của khâu truyền tải, phân phối. Để hạn chế tác động tăng giá, tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị triệt để tiết giảm chi phí, cắt giảm chi phí.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN, tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, người thuộc diện chính sách. Theo quy định hiện hành, những nhóm đối tượng này sẽ được hỗ trợ 30 kWh đầu tiên bằng tiền. Với những hộ dùng điện nhiều nhất, từ trên 401 kWh trở lên, mỗi tháng cũng chỉ phải trả tăng thêm 55.600 đồng/tháng.
Về việc giữ giá điện thấp hơn so với giá thành, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đại diện EVN cho biết, tập đoàn đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này vẫn chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỉ đồng của các năm trước đây.
Toàn bộ các khoản chênh lệch tỉ giá này vẫn đang được treo lại vì nếu tính vào giá điện sẽ khiến giá tăng rất mạnh. "Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào. Ước tính tăng giá điện sẽ làm tăng chỉ số CPI 0,35%", ông Hòa cho hay.
Theo tính toán, với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng. Khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng. Với khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.