Mùa nắng nóng đã đến, người dân lo lắng khi giá điện tăng kéo chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Còn doanh nghiệp lo giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào.

Giá điện tăng, người dân lo lắng 'túi tiền' hao hụt mạnh

Tuyết Nhung | 07/05/2023, 17:19

Mùa nắng nóng đã đến, người dân lo lắng khi giá điện tăng kéo chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Còn doanh nghiệp lo giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương ở đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đang ở cùng bố mẹ chồng. Mỗi tháng tiền điện của cả gia đình phải đóng dao động từ 2 - 3 triệu đồng. Nay giá điện tăng 3 %, chắc chắn tiền điện nhà chị phải lên đến 3,5 triệu đồng. Như vậy, chị Hương cho biết cả gia đình sẽ phải cắt bớt chi tiêu mới bù được tiền điện tăng.

anh-dai-dien.jpg

"Giá điện tăng là đánh vào túi tiền của người dân rõ nhất. Trong khi đó, lương chưa tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo giá điện. Vì vậy, gia đình tôi sẽ phải cân đối lại các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng ngày để bù với phần giá điện tăng", chi Hương chia sẻ.

Còn chị Hoàng Thị Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 4 người ở trọ với giá thuê hàng tháng là 3 triệu đồng/tháng, hiện chủ nhà trọ đang áp giá điện là 5.000 đồng/kWh (số). Khi chưa tăng giá điện, tháng nào gia đình chị cũng mất khoảng 1 triệu đồng tiền điện, thêm tiền trọ nữa là hết 1/4 tháng lương. Giờ đây, giá tiện tăng, gia đình chị sẽ phải tiết kiệm các khoản chi tiêu sinh hoạt.

Theo anh Nguyễn Hoàng Minh - chủ cửa hàng kinh doanh bia và các đồ nhậu trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mùa nắng nóng thì mỗi tháng anh phải chi tới 13-14 triệu đồng tiền điện, còn mùa đông thì hết khoảng 10 triệu đồng. Vì vậy, khi giá điện tăng, chi phí hoạt động của cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Anh Minh sẽ phải cân đối lại các khoản chi phí để phù hợp với mức tăng giá điện để lợi nhuận không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong khi đó, tăng giá điện sẽ tác động ngay đến chi phí sản xuất của mọi ngành sản xuất. Do đó, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng không muốn tăng giá điện, bởi sẽ thêm áp lực, đội chi phí dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, chi phí điện chiếm tỷ lệ nhất định vào giá thành sản xuất. Giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp ngành Thép ở Hà Nội cho biết đây là lĩnh vực tiêu tốn điện nhiều nhất. Vì vậy, khi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. Mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả khoảng 500-600 triệu đồng tiền điện. Trong khi đó, đơn hàng vào tháng 5 lại đang giảm mạnh, sản xuất lỗ thì doanh nghiệp sẽ phải tự bù đắp chi phí.

Tăng giá điện bán lẻ 3% tuy không cao nhưng nếu không kiểm soát tốt, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng "té nước theo mưa". Theo đó, giới chuyên gia đề xuất Nhà nước cần phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Các doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá sản phẩm. Lôi kéo những mặt hàng ở ngoài thị trường, ngoài các chợ dân sinh tăng theo, từ đó gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện tăng sẽ không tránh khỏi những biến động về mặt bằng giá. Người dân và doanh nghiệp cần phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn.

Để giảm tình trạng "té nước theo mưa" sau khi tăng giá điện, ông Thỏa cho rằng cùng với chính sách bình ổn giá thì cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá. Trước hết, cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng nhà nước định giá để tránh việc giá điện tăng bao nhiêu thì doanh nghiệp tăng bấy nhiêu.

Về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Theo thống kê số liệu năm 2022, EVN đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Bài liên quan
Giá điện sẽ tăng thời gian tới
Công tác điều hành một số mặt hàng thiết yếu sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá điện tăng, người dân lo lắng 'túi tiền' hao hụt mạnh