Giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nên việc tính toán tăng bao nhiêu cho phù hợp sẽ được các nhà quản lý cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Tăng giá điện, tiền điện của các hộ gia đình sẽ tăng như thế nào?

Tuyết Nhung | 05/05/2023, 13:02

Giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nên việc tính toán tăng bao nhiêu cho phù hợp sẽ được các nhà quản lý cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4.5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

gia-dien.jpg

Trao đổi với Một Thế Giới về quyết định tăng giá điện của EVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, Việt Nam đang tiến tới cơ chế thị trường, mà đã là thị trường thì giá cả phải có tăng, có giảm. Với giá điện, việc tăng hay giảm không chỉ phải phù hợp với diễn biến thị trường, các yếu tố hình thành giá, mà còn phải tính đến tác động đối với kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, ổn định kinh tế vĩ mô và phải kiểm soát được lạm phát.

Theo ông Long, dưới góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu... Tuy nhiên, giá điện đã bị kìm nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3.2019, giá đầu vào của ngành điện tăng mạnh khiến giá điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá điện bình quân trên thế giới và cũng thuộc diện thấp nhất khu vực ASEAN.

Vì vậy, ông Long cho rằng, điều hành giá điện không được giật cục mà phải có lộ trình. Lộ trình tăng giá điện như hiện nay cũng được Chính phủ và ngành điện nghiên cứu từ lâu. Việc xây dựng phương án giá bán lẻ điện tăng bao nhiêu sẽ được thực hiện trên cơ sở EVN hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; Báo cáo tài chính công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Đồng thời, EVN phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo theo đúng quy định.

"Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã quy định rất rõ nếu các thông số chi phí đầu vào làm giá thành điện tăng tương ứng thì giá điện sẽ được điều chỉnh. EVN cũng đã nỗ lực giảm chi phí để cân đối tài chính, giảm lỗ", ông Long cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện là cần thiết. Về lâu dài, Việt Nam cũng cần có thị trường điện cạnh tranh, nghĩa là giá bán lẻ điện sẽ được quyết định theo hợp đồng giữa khách hàng và các doanh nghiệp bán lẻ điện, thay vì Nhà nước định giá như hiện nay.

Ông Phú cũng đề xuất sau khi giá điện tăng, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%. Việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5%.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nên điều chỉnh giá điện càng sớm càng tốt. Bởi khi đã điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình ngay lập tức phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ. Đồng thời, thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ điện mặt trời và điện gió.

Tiền điện của các hộ gia đình sẽ tăng như thế nào?

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có khoảng 3,3 triệu hộ khách hàng mua điện trực tiếp của EVN. Cơ cấu mua điện năm 2022 có thay đổi so với năm 2021. Khách hàng công nghiệp có 1,8 triệu khách hàng, 662 nghìn khách hàng hành chính sự nghiệp.

Tính trung bình, khách hàng công nghiệp mỗi tháng dùng thêm 141.000 đồng. Điện sản xuất có 1,822 triệu khách hàng, dùng trung bình 10,6 triệu đồng và phải trả thêm 307.000 đồng.

Theo tính toán của EVN, với 3,33 triệu hộ khách hàng sử dụng điện ở mức 50 kWh trong năm 2022 (chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ.

Tiền điện tăng thêm của 4,7 triệu hộ tiêu thụ từ 51 - 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Với nhóm khách hàng sử dụng 200 kWh/tháng và là nhóm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành điện hiện nay (10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), chi phí tiền điện tăng thêm là 11.100 đồng/hộ.

Với các hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng (4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỉ đồng trong năm 2023. Mức tăng này không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động khoảng 1,17%. Với mức tăng 3%, mức tăng sẽ tác động rất nhỏ, chỉ khoảng 0,17%.

Cũng theo ông Nam, mức tăng 3% này chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho EVN. Tập đoàn đã có trình phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% nhưng cơ quan quản lý đã có ý kiến chỉ tăng tối đa 3%. Hiện tại tình hình tài chính của EVN rất khó khăn.

Bài liên quan
EVN phải thống nhất giá điện tái tạo với các nhà đầu tư trước ngày 31.3
Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31.3.2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng giá điện, tiền điện của các hộ gia đình sẽ tăng như thế nào?