Cứ mỗi lần nhìn thấy cô con gái đầu lòng - vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên, bước lên bục nhận huy chương, qua màn hình tivi, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tác và chị Nguyễn Thị Ánh Hồng lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Mỗi lần như vậy, anh chị lại nhớ lại hình ảnh đứa con gái hồi còn nhỏ xíu, tự luyện bơi trong dòng nước đục ngầu của con rạch Ba Cau phía trước nhà!

Gia đình kình ngư Ánh Viên cho con tập bơi vì ám ảnh sợ... chết đuối

13/12/2019, 06:21

Cứ mỗi lần nhìn thấy cô con gái đầu lòng - vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên, bước lên bục nhận huy chương, qua màn hình tivi, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tác và chị Nguyễn Thị Ánh Hồng lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Mỗi lần như vậy, anh chị lại nhớ lại hình ảnh đứa con gái hồi còn nhỏ xíu, tự luyện bơi trong dòng nước đục ngầu của con rạch Ba Cau phía trước nhà!

Gia đình của Ánh Viên tại quê nhà- Ảnh: Đình Tuyển

Là VĐV đoạt nhiều huy chương nhất SEA Games 30 với 6 HCV, 2 HCB, kình ngư Ánh Viên đã trở thành người đoạt nhiều huy chương nhất trong kỳ đại hội này. Ánh Viên đã đoạt HCV ở 200 và 400 mét bơi tự do, 100 và 200 mét bơi ngửa, 200 và 400 mét bơi hỗn hợp. 2 HCB ở 50 mét bơi ngửa và 800 mét bơi tự do. Tính trong 4 kỳ SEA Games gần đây, Ánh Viên đã có 25 HCV - một kỷ lục không chỉ cho thể thao Việt Nam mà còn cho cả Đông Nam Á.

Tập bơi để đề phòng chết đuối, ngờ đâu trở thành vận động viên

Các bậc phụ huynh thường phát hiện năng khiếu của con mình từ rất sớm và tập trung đầu tư phát triển ngay từ tuổi mẫu giáo, nhưng Nguyễn Thị Ánh Viên (SN 1996) lại không được may mắn như vậy. Anh Nguyễn Văn Tác (SN 1975, ngụ ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) - cha của Ánh Viên, đã chia sẻ chuyện của cô con gái mình, giờ thành đứa con cưng của làng bơi lội Việt Nam.

Ánh Viên sinh ra trong một gia đình nông dân chính gốc, mẹ cha quanh năm lam lũ với 3 - 4 công ruộng vườn nên cuộc sống cũng vừa tạm đủ. Chỉ có điều cha mẹ anh Tác - tức ông bà nội của Ánh Viên, phải trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, ở nhà trông coi cháu cho vợ chồng anh ra đồng.

Dù nơi ở của gia đình thuộc TP.Cần Thơ, nhưng ấp Ba Cau lại không khác gì một vùng quê với đặc thù ruộng lúa, vườn cây đan xen với hệ thống sông rạch chằng chịt. Hàng năm nước nổi tràn về, chuyện trẻ em đuối nước là nỗi ám ảnh của những gia đình có con nhỏ. Biết bơi là điều kiện giúp trẻ em chung sống an toàn với sông nước và cũng là tiêu chí của không ít gia đình nông thôn.

Theo anh Tác, lúc bé Viên khoảng 3 - 4 tuổi, cha anh thường hay dắt cháu ra bến sông trước nhà tập cho bé bơi vì ông cho rằng đó là cách giữ bé tốt hơn là coi chừng từng bước đi, bởi bé cũng có tính rất hiếu động. Tập chưa đầy 1 tuần lễ là bé đã biết bơi, cha anh Tác mừng và khen: “Con nhỏ bơi giỏi”. Gia đình anh thì đỡ lo chuyện cháu chết đuối thôi, chứ cũng chẳng nghĩ đó là năng khiếu gì.

Theo anh Tác, Ánh Viên chào đời rất bình thường như bao trẻ khác. Vừa tròn 1 tuổi, trong vùng có vài ca bệnh sốt xuất huyết và Ánh Viên là 1 trong những ca đó. Thấy nóng sốt mấy ngày liền, gia đình đưa bé đi bệnh viện, bác sĩ lấy mẫu máu, phân tích nhưng sau đó lại cho về nhà. Đêm đó bé thở nặng nhọc quá, sáng ra gia đình lại đưa bé trở lại bệnh viện khi trên da đã xuất hiện nhiều chấm đỏ.

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp khá nặng và may mắn là lần đó đã qua khỏi. “Sau lần duy nhất tới bệnh viện đó cho tới lớn bé chỉ thỉnh thoảng ấm đầu, xổ mũi lặt vặt thôi chứ không còn tình trạng vợ chồng tui phải vác con chạy tới bệnh viện kêu cứu nữa”, anh Tác kể lại.

Ánh Viên được xem là "kình ngư" xuất sắc- Ảnh: CTV

Những năm tiểu học, Ánh Viên là một học sinh bình thường với học lực ở mức trung bình. Chỉ có điều đặc biệt là khi học tới lớp 5, những lúc ở nhà cháu thường hay lội xuống sông - nơi bến nước cháu được ông nội tập bơi hồi còn nhỏ, một mình thực hành những động tác bơi. Hỏi ra mới biết ở trường có dạy bơi nên về nhà cháu phải tập thêm để đi thi.

“Tới lúc cháu được chọn đi thi Hội khỏe Phù đổng cấp huyện rồi tới cấp tỉnh, đi đâu được giải tới đó, gia đình tui mới phần nào yên tâm hơn. Bởi thứ gì mà con gái lúc nào cũng tầm nghịch dưới sông! Ở quê người ta nói như vậy là “hổng nên” (người theo duy tâm nói như vậy nghĩa là không tốt - PV)”, anh Tác kể.

Gia đình nông dân rặt, có ai biết gì đâu mà đầu tư thêm! Nên theo anh Tác, chỉ có vài nơi đến nhà ngỏ ý đưa con anh về để phát triển thêm năng khiếu bơi lội, trong đó có Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4 (Quân khu 9), chịu trách nhiệm huấn luyện, cung cấp vận động viên cho đội tuyển quốc gia).

“Lúc đó con nhỏ ham lắm nhưng gia đình tui phần thì ngại con còn nhỏ, thứ nữa lại là con gái mà xa cha mẹ thì làm sao yên tâm được. Nhưng nó ham quá! Cuối cùng gia đình tui chọn Trung tâm Quốc phòng 4 là nơi gởi gắm con gái luyện tập vì trung tâm này nằm ở Cần Thơ, gần nhà. Từ đó tới nay, Ánh Viên trở thành vận động viên của đội tuyển, gia đình chỉ còn là “trạm dừng” của nó trong những khoảng thời gian ngắn ngủi được phép nghỉ ngơi. Xem như tụi tui “mất” đứa con gái mình từ đó”, anh kể.

Có lần, anh nghe Ánh Viên kể, nghe các bạn lớp trước so đo, toan tính về chuyện tương lai của vận động viên chuyên nghiệp. “Nó sợ sau này nghỉ bơi thì… đói! Tinh thần có vẻ chao đảo nên nó về nhà thỏ thẻ với tui rằng, nghe mấy bạn nói sao thấy nản quá, chắc con bỏ luôn không tập luyện nữa.

Tui không ép con mà chỉ phân tích, tương lai của con do con quyết định, nếu tự nhận thấy mình có thế mạnh gì thì nên chọn và tập trung học tập rèn luyện. Và từ đó đến giờ không bao giờ nghe Ánh Viên than thở về chuyện học hành, khổ luyện, tương lai gì nữa. Nó chỉ nói đơn giản là con còn trẻ, cố gắng kiếm nhiều huy chương”, anh nói.

Những lúc còn tập luyện ở Cần Thơ, 1 - 2 tuần Ánh Viên về nhà được 1 lần ngày cuối tuần. Còn khi tập trung hoặc khi thi đấu ở các SEA Games… thì gia đình chỉ biết ngồi nhà ngóng tin. “Ánh Viên lâu rồi không được ăn tết tại nhà cùng với ông bà, cha mẹ. Năm đầu tiên ăn tết trên đất Mỹ, nhìn thấy gia đình người ta, nhớ nhà, nó điện thoại về khóc, mẹ nó cũng khóc theo”, anh Tác kể vậy.

Mỗi lần Ánh Viên về, nhìn thấy da con đen sạm, anh Tác thấy nóng ruột lắm. Dù được đi, ở, biết nhiều nơi, học nhiều thứ nhưng Ánh Viên vẫn còn là đứa con của gia đình với đầy đủ những nét chất phác, chân quê. “Có lần con về thăm, tui nói con học tiếng Anh đâu thử nói vài tiếng cho cha nghe với? Con nhỏ cười bẽn lẽn: “Con nói ba cũng đâu biết gì đâu”. Và cái đáng thương nhất là con nhỏ chỉ lo cho người khác mà không đòi hỏi gì, đơn giản nhất là về tới nhà là có gì ăn nấy”, anh Tác rưng rưng.

Ngọc Nguyễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình kình ngư Ánh Viên cho con tập bơi vì ám ảnh sợ... chết đuối