Giá đường bất ngờ tăng nóng khiến Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải ra công văn gửi hội viên yêu cầu không để giá đường tăng thêm nữa.

Giá đường tăng bất thường, ngành đường kêu gọi bình ổn giá

Tuyết Nhung | 29/08/2023, 18:55

Giá đường bất ngờ tăng nóng khiến Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải ra công văn gửi hội viên yêu cầu không để giá đường tăng thêm nữa.

Trước tình hình giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi các hội viên của hiệp hội tham gia bình ổn thị trường đường.

duong.jpg
Giá đường đang có xu hướng tăng mạnh - Ảnh: IT

Trong thời gian gần đây, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.

Mới đây, ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong vụ ép 2022/23, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng mức giá mía đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Theo đó, Hiệp hội khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay.

"Không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng. Tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá", văn bản nêu rõ.

Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó, trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.

Góp ý về điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là lượng tối thiểu theo cam kết WTO tức là 119.000 tấn, thời điểm đấu giá vào tháng 9.2023.

Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam xin nhận trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023-2024.

Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường trong nước niên độ 2022-2023 ước tính chỉ đạt 871.000 tấn, nghĩa là chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, cả nước sản xuất được hơn 941.000 tấn đường các loại, đường nhập khẩu chính ngạch cũng giảm dẫn đến thiếu hụt tập trung nhiều vào đường công nghiệp.

Theo các chuyên gia, đường công nghiệp tại nước ta còn thiếu chủ yếu do số lượng các nhà sản xuất đường đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe cho lĩnh vực chế biến công nghiệp chưa nhiều. Chẳng hạn, dòng sản phẩm nước giải khát cao cấp yêu cầu đường tinh khiết và không có kết tủa...

Những tháng cuối năm là cao điểm để sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong các mùa lễ, tết nên việc thiếu nguồn cung đường không chỉ làm ảnh hưởng, giảm sức cạnh tranh của các lĩnh vực sản xuất khác mà còn tạo kẽ hở cho đường lậu. Do đó, vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm giải pháp để đảm bảo nguồn cung đường ổn định, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất, xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nên áp dụng các giải pháp đa dạng nguồn cung nguyên liệu như tăng cường sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, nhập khẩu đường thô và gia công tại các nhà máy có công đoạn luyện đường... Các doanh nghiệp đang kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, giúp các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm mía đường có kết quả kinh doanh khả quan hơn.

Ngoài ra, cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm để có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như hỗ trợ cơ sở hạ tầng để xây dựng các vùng trồng nguyên liệu, nhà máy chế biến đường công nghiệp đảm bảo yêu cầu của thị trường... đồng thời có chính sách nhập khẩu nguyên liệu hợp lý, vừa đảm bảo nguồn cung cho sản xuất nhưng vẫn đảm bảo thị trường không bị cạnh tranh gay gắt, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Trước đó ngày 15.8, giá đường phổ biến ở mức 20.000 -21.200 đồng/kg (đường kính trắng) và 21.400-22.200 đồng/kg (đường tinh luyện), trong khi đó ngày 28.8, có công ty đường đã thông báo giá 26.000 đồng/kg đường kính trắng và 27.000 đồng/kg đường tinh luyện.

Giá đường tăng giữa bối cảnh thị trường thế giới có biến động, Ấn Độ thông tin sẽ cấm xuất khẩu đường từ tháng 10 sau 7 năm, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía.

Bài liên quan
Công an thông tin vụ bắt vợ chồng đại gia Đường - Dương ở Thái Bình
Công an tỉnh Thái Bình vừa thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ngày 30.3.2020 tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
28 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá đường tăng bất thường, ngành đường kêu gọi bình ổn giá