Từ ngày 25.8, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu dừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng tổng thể trong thời gian 55 ngày đêm.
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết trong đợt bảo dưỡng này sẽ có hơn 3.300 thiết bị được mở, làm sạch và kiểm tra bảo dưỡng. Tổng số lượng nhân sự huy động tham gia công việc là hơn 5.000 người từ các nhà thầu, các chuyên gia từ nhà bản quyền công nghệ và nhà sản xuất thiết bị, cùng với đó sẽ có khoảng 300 máy móc thiết bị chuyên dụng, gần 250.000m3 giàn giáo, khoảng 12.000 đầu mục vật tư phụ tùng thay thế.
Công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thực hiện theo chu kỳ 4 năm nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Nhà nước về kiểm định và an toàn thiết bị, nâng cao độ tin cậy của máy móc thiết bị và cải thiện hiệu suất vận hành của các hệ thống công nghệ trong các năm tiếp theo.
Để duy trì và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường cả nước, đại diện NSRP cho biết, trong các tháng qua, nhà máy đã duy trì vận hành ổn định, liên tục ở công suất cao nhằm cung ứng ra thị trường và dự phòng ở mức tối đa.
Nhà máy sẽ duy trì xuất bán xăng dầu cho đến hết ngày 1.9.2023, sau đó tạm dừng và sẽ mở cảng, xuất hàng lại từ ngày 22.9.2023 từ nguồn dự trữ tại các bể chứa, cũng như phối trộn từ các phân xưởng công nghệ được khởi động sớm.
Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước, sẽ tiến hành chính thức tạm dừng sản xuất để phục vụ bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất, trong vòng 55 ngày kể từ ngày 25.8. Để bù đắp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt trong thời gian này, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã chủ động phương án từ rất sớm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao tổng nguồn nhập khẩu ngay từ đầu năm. Lượng nhập khẩu ước tính sẽ bù đắp được nguồn cung xăng dầu thiếu hụt từ việc bảo dưỡng định kỳ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Vụ thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung trong nước có thời điểm chịu ảnh hưởng từ sự cố kỹ thuật tại phân xưởng RFCC của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023) khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 bị sụt giảm và nguy cơ nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính vào giai đoạn tháng 3.
Riêng trong tháng 4 và tháng 6, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới. Đến nay, nguồn cung xăng dầu từ 2 nhà máy (Bình Sơn và Nghi Sơn) trong 6 tháng khá ổn định về sản lượng. Các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống kinh doanh xăng dầu đã có nhiều kinh nghiệm với diễn biến thị trường của năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và gỡ khó cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan về việc đảm bảo nguồn cung trong nước, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 10 để bảo dưỡng định kỳ.
Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhà máy chủ động có phương án cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu… trong mọi tình huống để hoạt động hết và vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và sản phẩm phân giao bổ sung, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.