Chịu tác động liên tiếp từ 2 đợt dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù giá nhà đất tăng cao nhưng COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường khi nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, thậm chí giải thể.

Giá nhà đất neo cao, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lỗ vài chục đến hàng trăm tỉ

22/09/2020, 19:50

Chịu tác động liên tiếp từ 2 đợt dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù giá nhà đất tăng cao nhưng COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường khi nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, thậm chí giải thể.

Giá nhà ở vẫn tăng cao dù đại dịch - Ảnh: Phan Diệu

Giá bất động sản vẫn neo cao

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của một số công ty bất động sản, giá bán căn hộ tại nhiều thành phố lớn trên cả nước từ đầu năm đến nay vẫn neo cao, mức giảm 5-10% ở một số nơi chỉ là cục bộ, không đại diện cho toàn thị trường.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tính đến tháng 8 tăng 0,16% so với quý 1/2020, giá nhà riêng lẻ tăng 0,01%, còn ở TP.HCM thì mức tăng lần lượt là 0,25% và 0,15%.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá bất động sản ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, tăng trung bình hơn 10%. Thống kê của CBRE Việt Nam cho biết phân khúc căn hộ hạng sang khu vực trung tâm thành phố tăng 5% trong quý 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng giá bất động sản vẫn có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong mùa dịch COVID-19. Đặc biệt, giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao. Trong tình hình quỹ đất ngày càng hạn chế, khung giá đất tăng, thủ tục pháp lý triển khai bị siết chặt khiến cho nguồn cung giảm, ông nói rằng việc giảm giá nhà trong trung và dài hạn lại là điều khó xảy ra.

Ông Châu cũng cho biết, cơ cấu giá thành nhà ở còn một số bất hợp lý dẫn đến giá cao. Cụ thể như cách tính tiền sử dụng đất, trong đó chủ đầu tư dự án nhà ở gần như phải “mua quyền sử dụng đất” hai lần. Nếu đến cuối năm, dịch COVID-19 được khống chế thì quý 4 thị trường sẽ sôi động, lúc ấy giá nhà đất vẫn có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Doanh nghiệp địa ốc “ngấm đòn” vì đại dịch

Dẫu giá nhà đất tăng cao nhưng đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế và làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản. Các phân khúc bị ảnh hưởng như thị trường bất động sản cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ...); bất động sản du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch - condotel) và thị trường bất động sản thứ cấp, mua đi bán lại của các nhà đầu tư lướt sóng.

Hệ quả của dịch COVID-19 là ngay cả những doanh nghiệp có tiếng tăm trên thị trường bất động sản liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh đã báo lỗ đến 488 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm dù đã bán hết vốn góp tại công ty con là Công ty Đầu tư Long Điền.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House) dù thu được 88 tỉ đồng sau khi bán hết 49% cổ phần tại Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức vẫn không bù đắp được những khó khăn từ bất động sản, dẫn tới lỗ ròng 20 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Còn ở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương, 6 tháng đầu năm chỉ có 828 triệu đồng doanh thu từ kinh doanh bất động sản nhưng lỗ ròng tới gần 64 tỉ đồng…

Ngoài ra, nhiều “ông lớn” bất động sản dù không chịu cảnh thua lỗ do tác động của COVID-19 nhưng vẫn phải chịu cảnh doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Số liệu của HoREA cho thấy thị trường bất động sản đã chịu nhiều khó khăn trong 2 năm liên tiếp (2018-2019). Bước sang năm 2020 lại chịu thêm tác động của COVID-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của COVID-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Ông Lê Hoàng Châu nhận định các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải gồng gánh nhiều áp lực, thách thức. Trước hết là dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao, nợ đọng lớn dần.

Chi phí đầu tư, vốn và lãi vay của doanh nghiệp đều tăng kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu, trong khi lợi nhuận lại rất khiêm tốn ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với doanh nghiệp bất động sản quy mô càng lớn, càng nhiều lao động thì khó khăn sẽ thêm chồng chất. COVID-19 làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản khi các doanh nghiệp bất động sản liên tiếp gặp khó chồng khó kéo dài.

“Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới, ảnh hưởng đến tất cả các chủ thể trên thị trường bất động sản. Những tác động trên làm giảm sự đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào tăng trưởng GDP và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Châu nói.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá nhà đất neo cao, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn báo lỗ vài chục đến hàng trăm tỉ