"Khi gia nhập TPP, tôi lo lắng về phần Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp buộc phải tự cải tổ, có doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành. Còn nếu Nhà nước trì trệ trước cạnh tranh thì cực kì nguy hiểm", ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng phái đoàn đàm phán WTO nhận định.

'Gia nhập TPP, tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn là doanh nghiệp'

Một Thế Giới | 10/10/2015, 07:00

"Khi gia nhập TPP, tôi lo lắng về phần Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp buộc phải tự cải tổ, có doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành. Còn nếu Nhà nước trì trệ trước cạnh tranh thì cực kì nguy hiểm", ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng phái đoàn đàm phán WTO nhận định.

Chính phủ sẽ không bỏ rơi nông nghiệp

Ngày 9.10, Bộ Công thương đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì.
Theo đó, Bộ Công thương nhận định, trước thềm TPP, ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đứng trước nhiều nguy cơ mất thị trường. Chăn nuôi Việt Nam hiện nay yếu cả về năng suất, chất lượng giống vật nuôi lẫn giá cả. Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu quá nhiều, công tác kiểm soát dịch bệnh lỏng lẻo, mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết và thiếu thị trường.

Trong khi, vào TPP, ngành chăn nuôi đối mặt với thuế nhập khẩu về 0%, đây có thể là đòn nặng nề đối với Việt Nam.

Đặc biệt, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi miễn thuế, nổi bật là thịt gà, lợn. Đây là các mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn khi vào TPP nhưng không phải là điều quá đáng ngại. Chính phủ rất quan tâm đến ngành chăn nuôi, chưa bao giờ xóa bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với ngành này.

“Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một hiệp định kinh tế. Chúng ta đã có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước mạnh về nông nghiệp. Ngành chăn nuôi nếu tính từ năm nay sẽ có thời gian ít nhất 10 năm để chuẩn bị tư thế cạnh tranh trước khi thuế về 0%” – ông Khánh cho hay.

Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Khánh cũng cho biết, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.

Lo cho Nhà nước hơn là doanh nghiệp!

Trong khi đó, phát biểu tại buổi họp báo, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng phái đoàn đàm phán WTO cho rằng, thách thức là sức ép trực tiếp và tùy thuộc vào khả năng của chúng ta mà có kết quả khác nhau. Điều đáng chú ý là nếu không nhấn mạnh về thách thức thì chúng ta sẽ vỡ mộng hoặc bi quan, bởi Việt Nam sống cảm xúc nhiều quá.

Ông Tuyển cũng bày tỏ rằng, ông lo lắng về phần Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp buộc phải tự cải tổ, có doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành. Còn nếu Nhà nước trì trệ trước cạnh tranh thì cực kì nguy hiểm.

“Cơ hội của Việt Nam cũng rất nhiều, nhưng cơ hội không tự nó biến thành cơm” – ông Tuyển nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, hiện nay có quá nhiều số liệu cho rằng xuất khẩu tăng, GDP tăng bao nhiêu nhờ TPP và điều này có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ như thế nào. 
"Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói. Phải rất chú ý" - ông Trương Đình Tuyển nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, sau khi Việt Nam gia nhập TPP có khả năng sẽ gia tăng nhập siêu trong thời gian đầu, tuy nhiên đây không phải là điều xấu. 
Thực tế, khi gia nhập WTO vào năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cũng từng tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần 2006. Vốn đăng ký mạnh hơn thì các doanh nghiệp FDI phải triển khai dự án và lúc bấy giờ nhập siêu có thể tăng. 
Ông Tuyển lấy ví dụ như đầu tư nhà máy dệt, ban đầu phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nên phần nhập về phải tăng lên lúc đầu. Sau này, nếu phát triển sản xuất thì  xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Gia nhập TPP, tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn là doanh nghiệp'