Mở cửa phiên giao dịch 27.3, giá vàng trong nước tiếp tục đà tăng mạnh từ 400.000 - 800.000 đồng mỗi lượng, kéo vàng tăng vọt lên mốc 48 triệu đồng/lượng.
Vào lúc 11 giờ, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giao dịch ở ngưỡng 47,2 - 47,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với giá đóng cửa phiên trước, giá vàng đã tăng mạnh 600.000 đồng/lượng ở chiều mua và 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng được niêm yết ở mức 47,2 - 48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với giá đóng cửa phiên giao dịch trước, giá vàng đã tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua và 550.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng Phú Quý SJC cũng đang giao dịch ở mức 47,1 - 47,9 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua và 800.000 đồng/lượng ở chiều bán
Giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay ở cùng mức giá 46,7 - 47,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 550.000 đồng ở chiều bán. Giá vàng miếng PNJ cũng niêm yết ở ngưỡng 45,15 - 46,35 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng Ngọc Hải tại Long An, Bến Tre, Tiền Giang và TP.HCM cũng theo đà tăng khi giao dịch ở ngưỡng 46,9 - 47,8 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Trên thị trường thế giới, cùng thời điểm, giá vàng đang niêm yết ở mức 1.624 USD/ounce, tăng 23,1 USD/ounce so với phiên giao dịch cuối giờ chiều 26.3 (theo giờ Việt Nam). Quy đổi ra VND, hiện giá vàng thế giới tương đương 46,42 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,43 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC.
Trước đó, giá vàng đã lên 1.649 USD/ounce sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục là trên 3,28 triệu người do một nửa dân nước Mỹ bị hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19.
Giá vàng thế giới tiếp tục biến động dữ dội nhưng vẫn theo chiều hướng đi lên ở vào một thời điểm bất định chưa từng có đối với nền kinh tế thế giới. Các thị trường tài chính, tiền tệ và hàng hóa vẫn liên tục chao đảo.
Cạnh đó, vàng tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực giảm sau khi Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump thống nhất gói kích thích 2.000 tỉ USD cứu trợ nền kinh tế và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố gói bơm tiền chưa có tiền lệ, không giới hạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng nỗi lo sợ trên các thị trường hiện giống như sau cuộc khủng bố 9.11.2001 tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, mức độ bất định hiện cao hơn rất nhiều. Thế giới vẫn chưa lường hết được dịch bệnh COVID-19 sẽ diễn biến như thế nào và tác động của nó tới nền kinh tế thế giới ra sao.
Về dài hạn, giá vàng được dự báo tiếp tục tăng cao. Nguyên nhân là do tác động của COVID-19 đang kích hoạt sự hồi sinh của việc mua vàng và bạc vật chất. Tuy nhiên, nguồn cung cho nhu cầu đầu tư kim loại quý này lại không thể tăng đột biến khi các nhà máy đúc và nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang tạm thời ngừng sản xuất trong nỗ lực chống lại sự lây lan của coronavirus.
Phan Diệu