Các chuyên gia dự báo mức mất giá của VNĐ sẽ khoảng 2-3%. Trong những phiên tăng đột biến, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng cường bán ngoại tệ ra để can thiệp thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tuần qua (từ ngày 16 – 20.3), tỷ giá mua, bán VNĐ/USD niêm yết (cuối ngày) trên website của ngân hàng thương mại diễn biến tăng khoảng 20 - 60 đồng/USD mỗi ngày. Riêng ngày 19.3, tỷ giá tăng 105 đồng/USD ở chiều mua vào và 125 đồng/USD chiều bán ra so với ngày làm việc trước, lên mức 23.335 - 23.495 đồng/USD.
Vào phiên cuối tuần, tỷ giá tiếp tục tăng và niêm yết ở mức 23.370 - 23.530 đồng/USD, tăng 220 đồng/USD ở chiều mua và 240 đồng/USD ở bán ra so với ngày làm việc cuối tuần trước đó 13.3.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 40 đồng lên mức 23.252 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh 158 đồng, lên mức 23.372 đồng/USD.
BVSC cho rằng việc USD Index tăng mạnh trên thị trường thế giới và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành đã khiến VNĐ yếu đi trong tuần qua. Cạnh đó, áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay ước tính khoảng 500 triệu USD cũng gây áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu 2,7 tỉ USD tính đến ngày 15.3 và vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm đạt trên 2 tỉ USD. Do vậy, cán cân cung cầu USD thực tế hiện vẫn đang nghiêng về phía cung nên có cơ sở để kỳ vọng VNĐ sẽ không giảm giá quá mạnh trong thời gian tới.
“BVSC dự báo mức mức mất giá của VNĐ trong năm 2020 sẽ khoảng 2-3%. Trong những phiên tăng đột biến, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng cường bán ngoại tệ ra can thiệp. Điều này cũng tạo thế can thiệp hai chiều, giúp Việt Nam có thêm giải trình với Mỹ trong kỳ đánh giá danh sách các nước thao túng tiền tệ tiếp theo”, BVSC nhìn nhận.
Đáng chú ý, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện hoạt động hút ròng thêm và bơm ròng không đáng kể (chỉ khoảng 1 tỉ đồng) qua kênh thị trường mở (OMO) với lãi suất 3,5% cho kỳ hạn 7 ngày.
Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện tiếp tục duy trì ở mức 147.000 tỉ đồng, lượng OMO đang lưu hành là 1 tỉ đồng. BVSC cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước ngừng hút ròng qua kênh tín phiếu giúp lượng tiền “đọng” lại trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với dịch COVID-19.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với mức giảm lần lượt là 0,38%, 0,35% và 0,25%, lần lượt xuống mức 1,95%/năm, 2,21%/năm và 2,34%/năm. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh tại các kỳ hạn sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm một loạt lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua OMO.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện tại, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Còn mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.
Phan Diệu