Các đơn vị dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Giá vé máy bay có xu hướng tăng trong năm 2024
Theo nghiên cứu của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.
Tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.
Một nguyên nhân nữa là chi phí nhiên liệu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tiếp tục đặt áp lực này lên giá vé.
Diễn biến thực tế của giá nhiên liệu hàng không nói riêng và giá nhiên liệu cho vận tải (xăng, dầu) trong thời gian qua luôn ở mức cao hơn trước đây, trung bình 30 - 40USD/đơn vị nhiên liệu, sẽ rất khó trở lại mức giá như trước để kỳ vọng có thể góp phần hạ giá thành vận chuyển.
Thêm nữa, trong những năm tới đây, với các cam kết của các quốc gia, kèm theo đó là tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về khí thải và bảo vệ môi trường thì chi phí nguyên liệu “xanh” để đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ gia tăng.
Báo cáo cũng nêu, sau khi kết thúc giai đoạn “du lịch trả thù” của hành khách sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, cũng như nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã ổn định, các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút khách hàng sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng trở lại với các mức giá dần cao hơn.
Chưa kể, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện cũng đã làm phát sinh các chi phí không chỉ trong việc đào tạo, bổ sung lực lượng, mà còn đi cùng sự gia tăng các chi phí để duy trì ổn định nguồn nhân lực hiện hữu.
Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc giá vé máy bay được dự báo giữ xu hướng tăng lên do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia; xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, thiết bị ngành hàng không, kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…
Cùng chung quan điểm và dự báo với AAPA, thông tin từ Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting cho hay: Thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019. Cụ thể, châu Á tăng 21%; Australia/New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.
Do đó, FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Các giải pháp nhằm điều tiết giá vé máy bay
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng nếu theo cách tính GDP bình quân đầu người, cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.
Để hạ nhiệt giá vé, ông Thịnh cho rằng các hãng hàng không cần tính toán để giảm thiểu tối đa chi phí, tăng hiệu quả hoạt động. Về phía Nhà nước có thể tính toán hỗ trợ để doanh nghiệp hàng không phục hồi và phát triển.
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết ngay từ đầu năm 2024 đã triển khai các giải pháp để tăng tần suất khai thác và tăng cường hoạt động bay vào các khung giờ đêm tại các cảng hàng không, sân bay đủ điều kiện.
Giải pháp này đã thể hiện những hiệu quả trong thời gian qua trong việc phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách dịp cao điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2024 và sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn cao điểm hè năm 2024.
Trong công tác điều phối giờ cất hạ cánh (slot), Cục HKVN đã ban hành các quyết định điều chỉnh, nâng tham số slot phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác hiệu quả, tăng số lượng chuyến bay và tải cung ứng trên các đường bay.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tham số slot đã được điều chỉnh tăng với cả khung giờ ban ngày và khung giờ ban đêm để chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu giai đoạn cao điểm dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
Cùng với giải pháp triển khai cho các hãng hàng không, Cục HKVN cũng chỉ đạo các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đảm bảo nguồn nhân lực và phối hợp các hãng hàng không trong công tác phục vụ các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay vào các khung giờ đêm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hãng hàng không duy trì, ổn định tối đa tỷ lệ, tần suất, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn và năng lực khai thác.
Trong bối cảnh lực lượng vận tải hàng không giảm, các hãng HKVN đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so 2023 như: thay đổi giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không quốc tế để rút ngắn giờ đậu tàu lại; tiếp tục tăng cường khai thác các chuyến bay sau 22 giờ.
Trước những lo ngại của hành khách về tăng giá vé máy bay trong tình hình hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.
Trường hợp hành khách mua vé cao hơn quy định hoặc phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hành khách trong quá trình sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không, hành khách cần thông tin đến Cục KHVN để được kịp thời xử lý, giải quyết.