Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.
Thị trường và chính sách

‘Ông lớn’ công nghệ mong muốn đầu tư vào chíp, bán dẫn tại Việt Nam

Lam Thanh 04/05/2024 11:59

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.

Sáng 4.5. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Kinh tế đang phục hồi

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình thời gian qua, chỉ rõ những kết quả, thành tựu đạt được, các tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra các bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình thời gian tới.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chất căn cơ, lâu dài, vừa có giải pháp tình thế, trước mắt, tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng gợi mở một số bài học kinh nghiệm, như phải luôn bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng, gồm việc chuẩn bị hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội, các công việc đột xuất, như ứng phó với tình hình hạn hán, thiên tai…

dung-2.jpeg
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nước ta.

Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỉ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỉ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỉ USD, tăng 7,4%.

Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết nhiều DNcông nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%).

Ngoài ra, tình hình đăng ký DN có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 DN, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 DN); DN chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường có gần 81.300 DN, tăng 3% so với cùng kỳ; số DN chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 DN, giảm 5,3%.

Ngoài ra, thể chế, pháp luật tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Xử lý tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

"Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra; làm tốt công tác dự báo; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm tiến độ công việc được giao", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Làm mới các động lực tăng trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị khẩn trương ban hành, trình Chính phủ trong tháng 5 các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở; hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho phép sớm có hiệu lực trong tháng 7.

Tiếp theo, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1.7.2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

“Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...”, ông Dũng nêu.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị cần khẩn trương xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân…

Bài liên quan
Phá đường dây đánh bạc bằng công nghệ cao giao dịch 2 tỉ đồng trong một ngày
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ Trịnh Công Chính (trú TP.Vinh) cùng 20 đồng phạm trong đường dây đánh bạc dưới hình thức lô đề sử dụng công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vắc xin phòng ngừa
29 phút trước Thông tin Y học
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với những biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Ngày 14.5, Bộ Y tế đã nêu hướng dẫn các địa phương và đơn vị tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Ông lớn’ công nghệ mong muốn đầu tư vào chíp, bán dẫn tại Việt Nam