Theo tạp chí Politico, việc nhà lãnh đạo mới của Syria Ahmed Hussein al-Shar’a từ chối bắt tay Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khiến nhiều người nghi ngờ nhà lãnh đạo này không ôn hòa như tuyên bố.
Cuối tuần qua, bà Baerbock vừa sang Damascus cùng người đồng cấp Pháp Jean-Noël Barrot. Đây là chuyến thăm đầu tiên của quan chức ngoại giao châu Âu sau nhiều năm, nằm trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và toàn diện tại Syria của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra Đức - Pháp còn muốn thiết lập quan hệ với nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lực lượng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad rồi lên nắm quyền.
Là thủ lĩnh HTS, al-Shar’a là nhà lãnh đạo Syria trên thực tế. Hơn 1 tháng qua, ông hứa hẹn đảm bảo mọi phe phái đều tham gia chính quyền cũng như đảm bảo tự do tôn giáo. Nhưng việc từ chối bắt tay bà Baerbock mới đây làm dấy lên lo ngại, đặc biệt là lo ngại cho phụ nữ Syria.
Al-Shar’a từng thề trung thành với Al Qaeda và chiến đấu chống lại lực lượng phương Tây ở Iraq. Đến năm 2016, giữa ông với Al Qaeda chia rẽ do bất đồng về ý thức hệ, đồng thời phản đối IS, dẫn đến sự ra đời của HTS vào năm 2017. Từ đó đến nay nhân vật này luôn cố tránh xa quá khứ cực đoan của mình.
Sau khi lật đổ chế độ cũ, al-Shar’a từ bỏ diện mạo trông giống Osama bin Laden chuyển sang phong cách râu tóc gọn gàng và mặc đồ vest. Ông nói với đài CNN: “Người ở độ tuổi 20 có tính cách khác với lúc bước sang độ tuổi 30 - 40 hoặc 50. Đây là bản chất con người”.
Về phần mình, bà Baerbock tỏ ra không quan tâm lắm: “Khi đến đây tôi thấy rõ ràng là sẽ không có cái bắt tay thông thường nào cả”.
Cách một nhân vật Hồi giáo tương tác với phụ nữ giống như phép thử cho sự cam kết trở nên ôn hòa mà họ đưa ra. Bắt tay, không chỉ thể hiện mức độ ôn hòa mà còn thể hiện nhiều điều về tính thực dụng của họ.
Tất nhiên nhiều người mang tư tưởng Hồi giáo bảo thủ tin rằng nam giới và phụ nữ không có quan hệ họ hàng không được tiếp xúc, nhưng cái bắt tay ngoại giao - chuẩn mực ở thời hiện đại - lại là ngoại lệ. Năm 1987, Quốc vương Ả Rập Saudi Fahd bin Abdulaziz Al Saud chẳng ngần ngại bắt tay Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Việc từ chối bắt tay bà Baerbock khiến mạng xã hội Syria nổ ra tranh luận. Nhiều người bắt đầu lo al-Shar’a không ôn hòa như tuyên bố. HTS khi cai trị tỉnh Idlib cũng không chấp nhận phụ nữ tham gia chính trị.
Các nhà hoạt động dân chủ cũng lo ngại không kém khi ông al-Shar’a bổ nhiệm nhân vật cứng rắn Shadi al-Waisi làm Bộ trưởng Tư pháp Syria. Tân bộ trưởng này từng tuyên án tử hình phụ nữ ngoại tình và tham gia hoạt động mại dâm tại Idlib.
Tuy nhiên, theo nhà báo Syria Lina Chawaf, còn một cách giải thích khác ít đáng lo hơn về việc từ chối bắt tay: “Ông ấy phải giữ cân bằng giữa việc trấn an cộng đồng quốc tế, châu Âu và Mỹ với xoa dịu số chiến binh HTS cứng rắn và cực đoan”.