Peter Lee, Giám đốc nghiên cứu Microsoft, không được ngủ đủ giấc sau khi dành nhiều thời gian cho GPT-4, công cụ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) giúp mô phỏng cuộc trò chuyện như con người.
Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào công ty khởi nghiệp và Peter Lee dành rất nhiều thời gian cho GPT-4. "Tôi đã mất ngủ vài tuần. Điều đó rất căng thẳng", Peter Lee nói trong bài giảng tại Đại học Washington (Mỹ), theo trang GeekWire.
Peter Lee được giao nhiệm vụ đánh giá ý nghĩa của GPT-4 với y học. Ông tin rằng GPT-4 có thể tăng hiệu quả và thậm chí là sự đồng cảm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, cũng như thúc đẩy nghiên cứu y học. Peter Lee nói trong bài giảng của mình rằng GPT-4 có “những khả năng đáng kinh ngạc và trở thành một công cụ thực sự hữu ích cho y học”.
Ra mắt vào ngày 13.3, GPT-4 là mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của OpenAI làm nền tảng cho ChatGPT, chatbot có khả năng trả lời các câu hỏi giống như con người. ChatGPT có thể giải các phương trình toán học phức tạp, viết thơ, viết sách, gợi ý công thức nấu ăn, tạo mã chương trình… Với GPT-4, ChatGPT sẽ mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và chính xác hơn.
OpenAI cho biết dù GPT-4 kém khả năng hơn con người trong nhiều tình huống trong thế giới thực, nhưng chatbot này “thể hiện hiệu suất ở cấp độ con người trên nhiều tiêu chuẩn chuyên môn và học thuật khác nhau”, gồm cả việc vượt qua bài thi trở thành luật sư ở Mỹ với số điểm nằm trong khoảng 10% người cao điểm nhất. Đó là kỳ thi kéo dài 2 ngày mệt mỏi mà nhiều người khao khát vượt qua để hành nghề luật sư ở Mỹ.
GPT-4 hỗ trợ đa phương thức nên có thể tạo nội dung theo cả lời nhắc văn bản và hình ảnh.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Y học New England, Peter Lee và các đồng nghiệp cho biết: “GPT-4 có thể viết các chương trình máy tính để xử lý và hiển thị dữ liệu trực quan, dịch các ngôn ngữ nước ngoài, giải mã các thông báo về quyền lợi bảo hiểm y tế, giải thích ý nghĩa kết quả xét nghiệm của phòng thí nghiệm cho người đọc không quen với ngôn ngữ được sử dụng trong các báo cáo kết quả này, viết những lời động viên cảm xúc cho bệnh nhân…”.
"Dù thừa nhận có sự thiên vị với tư cách là nhân viên của các tổ chức đã tạo ra GPT-4, chúng tôi dự đoán rằng chatbot này sẽ được các chuyên gia y tế cũng như bệnh nhân sử dụng với tần suất ngày càng tăng", trích nội dung bài viết.
"Sắp có nhiều hệ thống AI mạnh mẽ hơn nữa"
Peter Lee và các đồng nghiệp của ông đã kết luận trong bài viết bằng cách suy đoán rằng: “Các hệ thống AI thậm chí còn mạnh mẽ và có khả năng hơn GPT-4 sẽ sớm xuất hiện. Đó là một loạt các cỗ máy ngày càng thông minh hơn".
“Những hệ thống AI này là công cụ. Giống như tất cả công cụ khác, chúng có thể được sử dụng cho mục đích tốt nhưng có khả năng gây hại. Nếu được dùng một cách thận trọng và cẩn thận, những công cụ này có thể giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân”, trích bài viết trên Tạp chí Y học New England.
Nhiều người bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển nhanh chóng và khả năng khó tin của AI. Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla và Twitter), Steve Wozniak (đồng sáng lập Apple) nằm trong số hơn 1.800 người ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng 6 tháng trong việc đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 vì nguy cơ tiềm tàng với xã hội và nhân loại.
Bức thư do tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute công bố, kêu gọi tạm dừng phát triển AI tiên tiến cho đến khi các giao thức an toàn chung cho các thiết kế như vậy được phát triển, triển khai và được kiểm tra bởi các chuyên gia độc lập.
"Các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng tôi tin tưởng rằng tác động của chúng sẽ tích cực và rủi ro của chúng sẽ có thể kiểm soát được. Nếu việc tạm dừng này không thể được áp dụng nhanh chóng, các chính phủ nên tham gia và thiết lập lệnh đình chỉ", trích nội dung bức thư.
Bức thư cũng trình bày chi tiết những rủi ro tiềm ẩn với xã hội và nền văn minh do các hệ thống AI cạnh tranh với con người, dưới hình thức gây ra gián đoạn kinh tế và chính trị, đồng thời kêu gọi các nhà phát triển hợp tác cùng các nhà hoạch định chính sách về quản trị và cơ quan quản lý.
Elon Musk không muốn thấy Microsoft biến những nỗ lực của OpenAI, công ty khởi nghiệp mà ông là nhà đầu tư ban đầu, thành nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn.
“OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft.
Tôi vẫn rất bối rối về cách tổ chức phi lợi nhuận mà tôi từng quyên góp khoảng 100 triệu USD lại trở thành công ty có giá trị vốn hóa 30 tỉ USD. Nếu điều này là hợp pháp, tại sao không ai làm như vậy? Cần hiểu thêm về cấu trúc quản trị và kế hoạch doanh thu trong tương lai của OpenAI”, ông nói.
Với tỷ phú 51 tuổi người Mỹ, OpenAI phải là tổ chức phi lợi nhuận mà hầu hết mọi người, công ty và nhà nghiên cứu quan tâm đến AI có thể dựa vào.
Mới đây, Siqi Chen (Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Runway và nhà đầu tư AI) loan tin GPT-4 sẽ sớm được thay thế bằng GPT-5 vào cuối năm 2023. Theo Siqi Chen, GPT-5 dự kiến sẽ hoàn thành quá trình đào tạo vào tháng 12.2023.
“Tôi được thông báo rằng GPT-5 dự kiến sẽ hoàn thành khóa đào tạo vào tháng 12 này và OpenAI hy vọng nó sẽ đạt được generative AI”, Siqi Chen viết.
Tuyên bố của Siqi Chen gây xôn xao bởi việc đạt được generative AI, hay khả năng hiểu và học hỏi bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào như con người, sẽ cho phép máy móc thực hiện các mệnh lệnh rất dễ dàng. Do GPT-4 còn lâu mới hoàn hảo dù đang dẫn đầu cuộc đua AI hiện nay, nhiều người sẽ thấy tuyên bố này đáng nghi ngờ. Với điều này, Siqi Chen đã làm rõ lời của mình.
"Để làm rõ, tôi không có ý nói rằng đạt được generative AI với GPT-5 là niềm tin chung trong OpenAI, nhưng có những người trong đó tin rằng GPT-5 sẽ đạt được điều đó", Siqi Chen tweet.
Khả năng học và hiểu bất kỳ nhiệm vụ hoặc khái niệm nào mà con người có thể thực hiện được, gọi là generative AI. Trong khi AI chỉ đề cập đến một máy có thể thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Generative AI là cấp độ cao hơn của AI, không bị giới hạn các nhiệm vụ hoặc chức năng cụ thể.
Về mặt tích cực, generative AI có thể tăng năng suất bằng cách tăng tốc các quy trình được thực hiện bởi AI và giảm bớt công việc lặp đi lặp lại cho con người. Tuy nhiên, việc cấp quyền lực quá lớn cho một AI có thể gây ra những tác động không lường trước và thậm chí tiêu cực. Điều này có thể khiến cho chatbot trả lời giống con người cực kỳ thuyết phục, tuyên truyền và lan truyền thông tin sai lệch rộng rãi trên internet.