Thông tin từ các Giáo sư Toán học Việt Nam cho biết, Giáo sư Hoàng Tụy vừa qua đời chiều 14.7, ở tuổi 92.

Giáo sư Hoàng Tụy - Cây đại thụ ngành Toán học qua đời ở tuổi 92

Tiền Phong | 14/07/2019, 20:00

Thông tin từ các Giáo sư Toán học Việt Nam cho biết, Giáo sư Hoàng Tụy vừa qua đời chiều 14.7, ở tuổi 92.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Cụ Hoàng Văn Bảng chính là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.

Cha của ông là ông Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Các anh em ông có 7 người đỗ đạt thì 5 người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)…

Tuy vậy, năm ông lên 4 tuổi thì cha qua đời. Cha làm quan thanh liêm, nên gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả, tuy nhiên đều giữ nếp nhà trong việc học hành. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Giáo sư Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. "Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, tháng 5.1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và 4 tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại trường trung học Lê Khiết ở Liên khu V.

Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng.

Ông có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm,…

Các giải thưởng mà Giáo sư Hoàng Tụy đã nhận được là Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Là người đầu tiên trên thế giới được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng cao quý mang tên nhà toán học xuất sắc người Hy Lạp Constantin Caratheodory (1873-1950), do những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.

Người thầy vĩ đại của các học trò Toán học

Theo GS. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Giáo sư Hoàng Tụy là một nhà toán học xuất sắc, nổi tiếng thế giới, một nhà sư phạm mẫu mực, người có nhiều ý tưởng ở tầm chiến lược trên quan điểm hệ thống về sáng tạo toán học, về chấn hưng khoa giáo và trên cả là xây dựng và phát triển đất nước.

Là tác giả của 170 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí toán học nổi tiếng trên thế giới, GS. Hoàng Tụy được thừa nhận là “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên Ông.

Theo chia sẻ của GS. Trần Văn Nhung, ngay từ những năm 1963-1964, khi còn đang học lớp 8 ở quê, ông đã được biết đến tên thầy Hoàng Tụy và thầy Lê Hải Châu qua các sách giáo khoa toán phổ thông, tên các nhà toán học Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính, Hoàng Chúng (em trai thầy Hoàng Tụy),..., qua Báo Toán học và Tuổi trẻ.

Ông còn nhớ những cuốn sách giáo khoa phổ thông môn Toán ngày ấy rất mỏng, rất cơ bản, súc tích và chắt lọc, nhưng vẫn cung cấp cho thế hệ ông đủ những kiến thức cần thiết. Vì sao không cần nhiều nhưng vẫn đủ? Vì các tác giả là những nhà toán học và sư phạm uyên thâm, là những thầy giáo đã trực tiếp dạy toán ở bậc phổ thông và đại học, đã thực sự nghiên cứu toán học và sư phạm, đã tham khảo những sách giáo khoa chuẩn mực của các nước có nền sư phạm chuẩn mực và tiên tiến trên thế giới như Nga, Pháp,...

“Có thể nói thế này được không: Để viết sách giáo khoa chuẩn mực cần phải có những bậc thầy chuẩn mực. Chuẩn mực ở đây được hiểu theo nghĩa có sự kết hợp hài hoà giữa lý thuyết với thực hành, giữa sơ cấp với cao cấp, giữa truyền thống với hiện đại, giữa quốc gia với quốc tế. Chúng tôi rất mừng khi thấy rằng hiện nay khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả đã dày công nghiên cứu và tham khảo có chọn lọc các chương trình, sách giáo khoa phổ thông của nước ta từ trước đến nay và của các nước tiên tiến trên thế giới, theo đúng phương châm giáo dục của Đảng ta là "cơ bản, hiện đại và Việt Nam", GS. Trần Văn Nhung chia sẻ.

“Nhiều đồng nghiệp cũng nhất trí với tôi rằng GS. Hoàng Tụy là một trong những nhà toán học và nhà sư phạm xuất sắc, thể hiện qua nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, viết sách và trong các đề xuất, chủ trương cải cách và phát triển nền toán học, khoa học và giáo dục nước nhà”,GS. Nhung xúc động.

GS. Trần Văn Nhung cũng nhớ những kỷ niệm vào một ngày cuối thu đầu đông năm 1967, khi bắt đầu vào học lớp toán năm thứ nhất của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở khu sơ tán tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được đón GS. Chủ nhiệm khoa Hoàng Tụy đến thăm và nói chuyện để khai giảng khoá học. “Tất cả chúng tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện hấp dẫn Ông kể hôm đó”,GS. Nhung cho hay.

Năm 1984, khi ông đang học tập và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Bremen (CHLB Đức) theo Học bổng Nghiên cứu Humboldt (AvH), thì GS. Hoàng Tụy được GS. D. Hinrichsen mời đến làm việc và báo cáo trong seminar về kết quả nghiên cứu bài toán tối ưu của ông. Mặc dù đã nhiều lần được nghe GS. Hoàng Tụy giảng bài hoặc báo cáo seminar, hội nghị, nhưng đó là lần đầu tiên GS. Nhung được nghe GS. Hoàng Tụy giảng bài ở nước ngoài. “Tôi đã được chứng kiến các bạn quốc tế tham dự hôm đó rất thán phục nội dung toán học và tính sư phạm cao trong bài giảng của ông".

Có lẽ GS. Hoàng Tụy và GS. Phan Đình Diệu là hai trong số các nhà toán học Việt Nam đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của Lý thuyết hệ thống và muốn ứng dụng lý thuyết đó vào khoa học, giáo dục, quản lý, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Có phải vì thế chăng, khi nghiên cứu và bàn bạc về bất cứ lĩnh vực nào, nhất là giáo dục, GS. Hoàng Tụy cũng luôn khuyến cáo phải xem trọng tính hệ thống của nó. Bản thân lĩnh vực mà cả đời Ông quan tâm, nghiên cứu là lý thuyết tối ưu toàn cục cũng mang tính hệ thống sâu sắc.

Những năm tháng sau này, Giáo sư Hoàng Tụy luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ông đã nhiều lần viết thư góp ý gửi Bộ GD&ĐT, Chính phủ với mong muốn có một nền giáo dục chất lượng hơn, tốt hơn.

Theo Tiền Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư Hoàng Tụy - Cây đại thụ ngành Toán học qua đời ở tuổi 92