Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, thời gian bắt đầu thực hiện chương trình môn học mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học sẽ được áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Giáo viên lo lắng trước thay đổi tổng thể giáo dục vào năm 2019-2020

Hải Yến | 26/01/2018, 12:03

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, thời gian bắt đầu thực hiện chương trình môn học mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học sẽ được áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Chia sẻ với phóng viên về lộ trình mới này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay vào giữa tháng 4.2018, Bộ GD-ĐT có thể ban hành chương trình mới và các Sở GD-ĐT triển khai lộ trình và dạy cho học sinh bắt đầu từ năm 2019-2020.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo để lấy ý kiến, hàng loạt thông tin từ các giáo viên đã được thu thập, trong đó không ít giáo viên lấy làm lo lắng về sự vội vàng của dự thảo khi chính cơ sở vật chất tại các trường chưa thể đáp ứng được cùng với đội ngũ giáo viên mà chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi.

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thu Hoài - giáo viên trường THCS Marie Curie (Hà Nội) cho biết hiện nay học sinh đang học chương trình cũ, nếu muốn đánh giá năng lực của chính giáo viên phải cho giáo viên dạy thực tế như thế nào, để học sinh cảm nhận ra sao, sau đó giáo viên dự giờ sẽ có những đánh giá đúng nhất.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm hay nhưng điều các giáo viên lo ngại chính là thời gian đã gấp rút mà chưa có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Cũng đồng ý với cô Hoài, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng hiện nay nếu đổi mô hình giảng dạy truyền thống sang chương trình giáo dục phổ thông mới là một sự thay đổi có tính hệ thống. Ban đầu phải nghĩ đến thay đổi đội ngũ quản lýcán bộ, hiệu trưởng, vì đây chính là tính chất quyết định thay đổi hệ thống, tư duy và cách dạy học của giáo viên trong trường. Bên cạnh đó, các trường sư phạm phải đi trước một bước trong việc nắm vững đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để có thể giảng dạy và đánh giá đúng năng lực của học sinh theo chương trình mới.

Nói về chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông mới - ông Lê Hồng Vũ - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho rằng, không lo chất lượng, trình độ giáo viên khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới mà lo giáo viên không nhiệt tình đổi mới. Giáo viên phải đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới là một nhiệm vụ quan trọng và họ phải có phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục thì mới giữ vững, phát triển được vị trí của mình. Vì chính giáo viên là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của giáo dục.

Trước yêu cầu đổi mới, cần quan tâm đến đào tạo chất lượng đội ngũ giáo viên. Tại Hà Nội, số lượng giáo viên thiếu khá lớn, khó đảm bảo chất lượng giảng dạy đổi mới, vì vậy đưa ra ý kiến đổi mới của mình, ông Vũ cho rằng Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu sắp xếp, bố trí đủ giáo viên để đảm bảo yêu cầu đổi mới chất lượng dạy - học.

Đưa ra dẫn chứng một cách cụ thể nhất, ông Vũ cũng cho rằng đa số giáo viên hiện nay vẫn không hiểu thế nào là chương trình đổi mới và tích hợp trong giảng dạy, nếu muốn giáo viên hiểu chính trong khâu đào tạo sinh viên các trường sư phạm phải đảm nhận việc này, thời gian không còn nhiều mà vấn đề chất lượng giáo dục vẫn chưa được cải thiện một cách đáng kể là nỗi lo của toàn ngành giáo dục.

"Chưa biết năm 2018 có được như mong muốn của Bộ GD-ĐT là học sinh học ngành sư phạm phải là người ưu tú nhất và điểm tuyển sinh sư phạm phải nằm trong tốp đầu. Còn thực tế vài năm gần đây, đặc biệt năm vừa qua, nhìn chung đầu vào của khối ngành này rất đáng lo, liệu giữa thực tế và đòi hỏi về chất lượng mà chính Bộ GD-ĐT nêu ra có đáp ứng được yêu cầu mới? Đây chính là câu hỏi mà chúng tôi nghe rất nhiều giáo viên đặt ra khi nói về chương trình phổ thông mới khi triển khai xuống các trường.

GS. Nguyễn Minh Thuyết -Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thôngmới cho hay, vào tháng 4.2018 Bộ GD-ĐT có thể chính thức ban hành chương trình môn học mới

Cơ sở vật chất không đáp ứng kịp với thực tế là nỗi lo ở tất cả các địa phương. Với chương trình hiện tại, đây đã là một thách thức huống hồ khi thực hiện chương trình mới với việc học tích hợp, học theo nhóm, chương trình hoạt động trải nghiệm... Bao lâu nay vẫn không giải quyết được tình trạng sĩ số vượt gấp nhiều lần quy định, đặc biệt ở các tỉnh thành lớn. Bước vào chương trình mới với yêu cầu sĩ số học sinh thấp, học 2 buổi/ngày..., lãnh đạo nhiều địa phương phải thừa nhận không biết làm thế nào để thực hiện được.

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới như: Lịch sử và địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội... Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước, sau đó, sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng. "Quan trọng nhất là giáo viên tâm huyết, nhiệt tình đổi mới để truyền lửa cho học sinh" - ông Minh khẳng định.

Theo phân tích của Bộ, các địa phương nên ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, tin học vì hai môn này còn thiếu khá lớn. Hạn chế hoặc không tuyển giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục vì các môn học này giáo viên tiểu học đã được đào tạo để dạy. Đồng thời, các địa phương cần rà soát để tuyển dụng số giáo viên tiếng Anh, tin học còn trong diện hợp đồng lao động.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng đối với các địa phương đang thừa giáo viên, trong khoảng ba năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa này. Đồng thời, các địa phương rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cho từng trường THCS theo số lượng hiện có.

Bài và ảnh: Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên lo lắng trước thay đổi tổng thể giáo dục vào năm 2019-2020