Giả thuyết vi rút SARS-CoV-2 là kết quả của phòng thí nhiệm khiến sự chú ý đổ dồn vào những phòng thí nghiệm sinh học vốn được đánh giá an toàn bậc nhất thế giới.

Giới khoa học lo ngại dịch bệnh ‘sổng ra’ từ phòng thí nghiệm

Cẩm Bình | 30/05/2021, 15:09

Giả thuyết vi rút SARS-CoV-2 là kết quả của phòng thí nhiệm khiến sự chú ý đổ dồn vào những phòng thí nghiệm sinh học vốn được đánh giá an toàn bậc nhất thế giới.

Dù loạt bằng chứng liên kết SARS-CoV-2 với Viện Vi rút học Vũ Hán chưa đủ sức thuyết phục, nhưng giới chuyên gia cũng đã lên tiếng yêu cầu siết chặt kiểm soát những cơ sở như vậy do lo ngại nguy cơ một sự cố rò rỉ vô ý sẽ gây ra đại dịch tiếp theo.

Viện Vi rút học Vũ Hán thuộc số phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL4) – có thể xử lý vi khuẩn hoặc vi rút nguy hiểm, gây bệnh nghiêm trọng chưa có vắc xin phòng ngừa hay phương pháp điều trị.

Giáo sư Gregory Koblentz thuộc đại học George Mason cho biết, phòng thí nghiệm BSL 4 sở hữu hệ thống lọc HVAC nên vi khuẩn/vi rút không cách nào lọt ra ngoài bằng đường không khí, nước thải và từ đây cũng phải trải qua xử lý hóa chất hoặc xử lý nhiệt để đảm bảo không còn thứ gì sống sót. Bản thân đội ngũ nhà nghiên cứu làm việc đều được đào tạo kỹ càng và mặc đồ bảo hộ.

Theo giáo sư Koblentz cùng đồng nghiệp, toàn thế giới hiện có 59 cơ sở như Viện Vi rút học Vũ Hán. Họ lưu ý rằng hiện chưa có tiêu chuẩn quốc tế mang tính ràng buộc cho hoạt động nghiên cứu mầm bệnh nguy hiểm.

ofj3aihndnes3bpr6sxbipsxwy.jpg
Viện Vi rút học Vũ Hán đang là tâm điểm chú ý - Ảnh: The Wall Street Journal

Sự cố từng xảy ra

Sự cố hoàn toàn có thể xảy ra ở phòng thí nghiệm an toàn bậc nhất lẫn ở cơ sở ít an toàn hơn.

Năm 1977, vi rút H1N1 ở người bất ngờ xuất hiện ở Liên Xô và Trung Quốc rồi lây lan ra toàn cầu. Giới khoa học sau khi phân tích thông tin di truyền thì xác định mầm bệnh thoát ra từ phòng thí nghiệm nào đó.

Loạt vụ phát tán bào tử bệnh than qua đường bưu điện năm 2001 tại Mỹ được xác định do nhà khoa học tên Bruce Ivins - làm việc cho một phòng thí nghiệm quốc phòng thực hiện.

Năm 2004, 2 nhà khoa học Trung Quốc tiếp xúc SARS rồi lây cho nhiều người khác, 1 trường hợp tử vong.

Năm 2014, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) trong quá trình di dời một phòng thí nghiệm thuộc sự quản lý của Cục quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện vài lọ nhỏ chứa vi rút gây bệnh đậu mùa.

Nhà khoa học Lynn Klotz thuộc Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí nhiều năm qua không ngừng cảnh báo về nguy cơ từ những phòng thí nghiệm. Ông cho biết: “Lỗi của con người chiếm hơn 70% số lỗi trong phòng thí nghiệm”.

wuhan.jpg
Nguy cơ mầm bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm luôn hiện hữu - Ảnh: Business Today

Nghiên cứu “thăm dò chức năng” (GOF)

Nghiên cứu GOF tiến hành biến đổi vi khuẩn/vi rút, khiến mầm bệnh dễ lây lan hơn, gây chết chóc hơn, dễ dàng né tránh vắc xin và các phương pháp điều trị hơn – tất cả chỉ để tìm ra cách chống lại chúng hiệu quả hơn.

Đây là lĩnh vực gây tranh cãi. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm khi có 2 nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể khiến bệnh cúm gia cầm lây sang động vật có vú.

Chuyên gia dịch tễ Marc Lipsitch thuộc đại học Harvard lo ngại nghiên cứu GOF sẽ tạo ra chủng vi rút đủ sức gây ra một đại dịch. Nhà sinh học phân tử Richard Ebright thuộc đại học Rutgers nhận xét nghiên cứu GOF không cần thiết vì chẳng đóng góp gì cho phát triển thuốc hay vắc xin”.

Chính phủ Mỹ năm 2014 tuyên bố ngừng tài trợ cho nghiên cứu GOF, nhưng đến năm 2017 ra quy định mới xem xét tài trợ cho từng trường hợp cụ thể. Quá trình xem xét bị chỉ trích thiếu minh bạch và không đáng tin.

Cuối năm 2020, một tổ chức phi lợi nhuận nhận được tài trợ chính phủ Mỹ thực hiện nghiên cứu dự đoán nguy cơ lây lan của vi rút corona từ dơi sang người ở Vũ Hán. Hai quan chức NIH Francis Collins và Anthony Fauci phủ nhận cáo buộc nghiên cứu này không khác gì GOF, tuy nhiên nhà sinh học phân tử Ebright khẳng định đây rõ ràng là GOF.

Con đường phía trước

Nhà sinh học phân tử Ebright chỉ ra rằng, hiện chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục để ủng hộ cho một trong 2 giả thuyết SARS-CoV-2 là vi rút tự nhiên hay kết quả thí nghiệm khoa học.

Tuy nhiên, vẫn có vài luận cứ củng cố cho giả thuyết sau: Vũ Hán chỉ cách các hang động phát hiện loài dơi là vật chủ của vi rút tổ tiên của SARS-CoV-2 khoảng 100 dặm về phía bắc – khoảng cách nằm trong phạm vi dơi hoạt động; đội ngũ nhà khoa học ở Vũ Hán thường xuyên đến các hang động lấy mẫu.

Chuyên gia sinh học phân tử Alina Chan thuộc Viện nghiên cứu Broad cho biết sau khi COVID-19 bùng phát, hoạt động nghiên cứu mầm bệnh nguy hiểm này không những không giảm đi mà còn được đẩy mạnh hơn.

Năm ngoái, bà Chan công bố nghiên cứu chỉ ra SARS-CoV-2 khác với SARS, không tiến hóa nhanh khi lần đầu được phát hiện ở người. Đây là một bằng chứng củng cố cho giả thuyết là SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Nữ chuyên gia Chan không ủng hộ việc cấm nghiên cứu mạo hiểm, vì lo sợ ngăn cấm chỉ khiến hoạt động này được tiến hành lén lút khó kiểm soát. Bà đề xuất di dời những phòng thí nghiệm đến vùng khu vực xa xôi ít người sinh sống, nhà khoa học làm việc trong cơ sở như vậy phải cách ly 2 tuần rồi mới có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới khoa học lo ngại dịch bệnh ‘sổng ra’ từ phòng thí nghiệm