Các nhà khoa học đưa ra thuyết địa tâm lý rằng: thiên nhiên nào con người ấy, nghĩa là môi trường sống ảnh hưởng đến tâm lý của con người.
Văn hóa

Giọt rừng

Theo Saigontimes 17/02/2024 14:55

Các nhà khoa học đưa ra thuyết địa tâm lý rằng: thiên nhiên nào con người ấy, nghĩa là môi trường sống ảnh hưởng đến tâm lý của con người.

Một giọt rừng liên quan đến cả phần xác và phần hồn của con người.

Từ chuyện con ba khía ngày càng ít

Lâm Hoàng Hôn sống ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã hơn 30 năm nay. Ông kể: “Ngày xưa, tới mùa, ba khía bò lên kín bờ sông, đầy sân, bò vô cả nhà. Hồi đó, mình không hơi sức đâu mà bắt. Còn bây giờ muốn bắt được ba khía thì phải đi sâu vô rừng, mà bắt cả đêm cũng chỉ được vài chục ký. Ba khía lớn cỡ 10 con/ký ngày một hiếm”.

Về vùng Ngọc Hiển, Năm Căn của tỉnh Cà Mau, gặp người dân nào tôi cũng đều nghe họ buồn bã nói rằng bây giờ con ba khía đã ít hơn ngày trước rất nhiều. Không chỉ ba khía mà những sinh vật sống dưới tán rừng ngập mặn, như ốc len, vọp, cá thòi lòi, cá bống sao… cũng đều đang suy giảm, cạn kiệt.

Ông Nguyễn Đình Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, cho biết: Qua nghiên cứu và trao đổi, nhận thấy lượng ba khía giảm dần trong những năm gần đây là do bà con khai thác quá mức, cùng với đó là sự thay đổi thời tiết, khí hậu, một số hoạt động đánh bắt khác cũng ảnh hưởng không nhỏ. Điều này ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của ba khía trong môi trường sống tự nhiên, cùng với đó là diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp.

Đến khoảng trống văn hóa

Tôi không bao giờ quên được lần chống chếnh ngồi trong ngôi nhà dài của già làng K’Duk ở buôn Đăng Đừng (thôn 6), xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Mọi người đang vít cong cần rượu để mừng cho già làng cất được ngôi nhà mới tinh tươm, rộng, dài hơn căn nhà xưa. Tôi tựa lưng vào vách nhìn khắp trong nhà một lượt, sao thấy lành lạnh. À, hóa ra là thiếu ánh lửa bập bùng, thiếu mùi khói!

gaia-trong-rung3.jpg
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền (bìa trái), nhà sáng lập – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, chia sẻ về hoạt động trồng và giám sát rừng tại rừng Đồng Nai - Ảnh: Minh Châu

Thân thiết với gia đình đã hơn chục năm, mỗi lần lên chơi, tôi đều say cái cảnh ngồi tựa lưng vào vách nhà đan bằng cây lồ ô đập rập, ngồi uống trà, uống rượu cần, ăn uống và trò chuyện với mọi người ngay bên bếp lửa. Nơi đó, chị Ka Mết, con gái út của già làng, vừa cười đùa tiếp chuyện vừa thoăn thoắt nấu nướng. Chục phút bắc nồi là bố chị, chồng chị – anh K’Kim, đã có những món ăn nóng hổi để mời khách. Thật thân thuộc, thật ngon mắt, ngon lòng! Không chỉ tôi mà bao nhiêu đoàn khách tây, ta khi tôi dẫn lên chơi, khảo cứu văn hóa của buôn người dân tộc Châu Mạ này cũng đều thích thú như thế. Nhưng giờ thì, ngôi nhà mới mái lợp tôn, sàn gỗ, vách gỗ, cửa sổ có kính lùa nên không để bếp lửa ở trong nhà được nữa. Vì khói không thoát được, không ám được vào đâu. Anh K’Kim, con rể già làng, phân trần.

Mọi chuyện bắt đầu từ cái mái. Già làng K’Duk bảo tập quán từ xa xưa của người Châu Mạ là làm nhà sàn, lợp mái bằng lá mây hoặc lá tranh, ít nhất mười năm mới phải thay mái mới một lần. Ngoài chuyện hai loại lá ấy dai, bền, ít bị mối mọt sẵn tính di truyền như vốn có thì còn có sự trợ giúp đắc lực của khói bếp. Bếp đặt ngay trong nhà, ngày nào cũng đun nấu vài ba lần, khói, muội củi bay lên bám vào vách ủ hương cho những ché rượu cần đặt quanh vách, sưởi ấm cho con người, tôi cho sàn, vách, mái nhà thêm một lớp da săn chắc để tránh mối mọt.

Ausable cho rằng: "Sự biến mất của đa dạng sinh học liên quan chặt chẽ với tình trạng phá hủy sự đa dạng văn hóa".

Ngôi nhà dài cũ của già làng, mái lợp lá mây, được mười một năm. “Khi làm lại nhà, mấy anh em con cháu vào ăn ở trong rừng suốt một tuần mà không kiếm đủ lá mây, lá tranh để lợp mái. Bà con làm nương phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và đốt nương nhiều quá nên cây mây, cây cỏ tranh chết hết. Thế là nhà đành lợp mái tôn”, anh K’Kim kể.

Từ mái tôn cực chẳng đã, anh K’Kim phá cách luôn thêm mấy cái cửa sổ có kính lùa. Rồi mất chỗ của bếp lửa, của những ché rượu cần, mất cả không khí ấm áp, đặc trưng của ngôi nhà dài. Kể từ ngày thành lập vào năm 1892, lần đầu tiên buôn này có một ngôi nhà dài nửa nạc nửa mỡ.

Những cánh rừng bao la, rậm rạp quanh buôn bây giờ cũng đã trốc lở. Cây bản địa ngày ngày bị chặt hạ để mấy công ty lâm nghiệp trồng toàn cây bạch đàn để làm giấy. Người dân thì đốt nương, phun thuốc hóa học để bảo vệ cây trồng mà vô tình tận diệt môi sinh. Nghĩ quẩn khéo vài ba năm nữa cái cây nhah gàng mọc dọc suối, ven đồi mà phụ nữ Châu Mạ vẫn hái lá về làm men rượu cần cũng tuyệt chủng!

Các nhà khoa học đưa ra thuyết địa tâm lý rằng: thiên nhiên nào con người ấy. Nghĩa là môi trường sống ảnh hưởng đến tâm lý của con người.

gaia-trong-rung2.jpg
Đại diện các doanh nghiệp tham gia trồng và giám sát rừng ở Đồng Nai - Ảnh: Minh Châu

Có cả một ngành sinh – dân tộc học (ethnobiology) chuyên nghiên cứu tri thức của các dân tộc về các loài cây dại và thú hoang trong môi trường của mình. Các nghiên cứu này thường chỉ ra rằng những chuyên gia này là những cuốn từ điển bách khoa sống về lịch sử tự nhiên, họ có từ riêng (trong ngôn ngữ bản địa của mình) để gọi từng loài một trong số hàng ngàn hay hơn nữa các loài cây và thú, họ hiểu biết chi li tường tận về đặc tính sinh học, sự phân bố và công dụng tiềm tàng của các loài đó.

Ausable cho rằng: “Sự biến mất của đa dạng sinh học liên quan chặt chẽ với tình trạng phá hủy sự đa dạng văn hóa. Với những mất mát các nền văn hóa bản địa, tri thức quan trọng và thiết yếu về cách sống cân bằng với Trái đất cùng hệ giá trị mà trong đó tri thức được mã hóa cũng đang biến mất. Nhằm tiếp cận được với quá trình khôi phục, cần thiết phải học cách nhìn thế giới qua con mắt của người bản địa”.

Chung sức trồng rừng

Trở lại câu chuyện của con ba khía sống dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau. Hệ sinh thái rừng ngập mặn hay còn gọi là hệ sinh thái “carbon xanh” giúp “khóa” được carbon hiệu quả gấp 4-10 lần so với rừng trên cạn tùy thuộc các khu vực khác nhau. Vì rừng ngập mặn không chỉ lưu trữ carbon trong sinh khối của cây mà còn trong trầm tích rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều và đồng cỏ biển.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển còn có vai trò bảo vệ đới bờ khỏi bị sạt lở, giữ đất không bị đánh trôi ra bãi biển, hạn chế xâm nhập mặn. Đồng thời, rừng ngập mặn còn là nơi ấu trùng của các loài thủy hải sản sinh sống. Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ sinh kế cho người dân.

Xuất phát từ suy nghĩ ấy, từ tháng 3.2020, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã phát động chương trình trồng rừng Cà Mau. Tôi đã tham dự chương trình Vinamilk cùng Gaia triển khai dự án “Cánh rừng Net Zero” – khoanh nuôi 25 héc ta bãi bồi tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong một ngày, gần 60 nhân viên Vinamilk lội bùn tham gia đóng hàng rào giữ hạt mắm bằng cọc cừ tràm và lưới cá; tìm hiểu thông tin hữu ích về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng ngập mặn, tìm hiểu văn hóa, giao lưu kết nối với lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương.

gaia-trong-rung5.jpg
Hiểu rõ hơn về rừng ngập mặn sẽ thấy được việc chung tay trồng rừng quan trọng nhường nào

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất và Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk, cho biết: “Trải nghiệm và hiểu hơn về những cánh rừng ngập mặn, chúng tôi càng thấy rõ hơn vì sao chúng ta cần phải hành động cho thiên nhiên, môi trường. Qua những hoạt động này, Vinamilk cũng mong muốn mọi nhân viên của chúng tôi sẽ là những hạt nhân tích cực, chung tay cho những mục tiêu phát triển bền vững của công ty”.

Trong ba năm qua, kết nối các nguồn lực xã hội Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai khoanh nuôi 160 héc ta bãi bồi. Để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của dự án, Gaia phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau triển khai các hoạt động bảo vệ và giám sát khu vực khoanh nuôi như truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; tuần tra giám sát, gia cố hàng rào bảo vệ khu rừng, thực hiện các nghiên cứu đo lường những tác động khu rừng tạo ra trong vòng sáu năm. Nhờ việc triển khai kế hoạch và giám sát chặt chẽ, khu rừng 50 héc ta đầu tiên Gaia khoanh nuôi tại Cà Mau, sau ba năm đã có hơn 1 triệu cây mắm tái sinh.

Chương trình “Góp một cây là góp rừng” là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam nhằm khôi phục hệ sinh thái, cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm.

Tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp một hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích, với chi phí từ 20.000-95.000 đồng. Doanh nghiệp có thể đóng góp tùy khả năng của mình. Ngay sau khi người chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của họ sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên trang web của Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo công khai về khu rừng đến người đóng góp.

Ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, họ trồng cây mắm trắng hoặc mắm đen. Hoạt động trồng cây này nhằm chống xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục hồi sinh cảnh đất ngập nước và tạo nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như: rái cá, mèo cá, trăn gấm, rùa răng, rùa hộp lưng đen, bồ nông chân xám… Ở Vườn quốc gia Cúc Phương họ trồng cây kim giao, vàng anh… Ở Vườn quốc gia Bến En họ trồng cây lim xanh, vù hương, lát hoa, giổi…

Hoạt động trồng cây này nhằm khôi phục rừng nghèo kiệt, tăng cường chức năng sinh thái của rừng, phục hồi sinh cảnh sống của nhiều loài quý hiếm, như vượn đen má trắng, culi lớn, culi nhỏ, gà lôi, gấu ngựa, sói đỏ, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên họ trồng cây sao đen, re hương, bằng lăng, quế, dọc… Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền họ trồng cây lim xanh, lim lá thắm, sến mật, chò, gáo vàng…

Trong 10 tháng đầu năm 2023, với sự góp sức của 35 doanh nghiệp, tổ chức và 1.268 cá nhân, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đã trồng được 64.370 cây, phủ xanh 76,41 héc ta trên 5 khu rừng, chưa tính 70 héc ta rừng Cà Mau với ước tính tái sinh được 350.000 cây mắm trắng. Các khu rừng được đội ngũ Gaia phối hợp với ban quản lý các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên chăm sóc, giám sát trong vòng 4-6 năm nhằm bảo đảm tỷ lệ sống đạt 70-85%. Tính từ năm 2018, bằng quá trình gây quỹ cộng đồng, Gaia đã trồng được hơn 892.584 cây, phủ xanh được hơn 405,11 héc ta rừng đầu nguồn tại 8 vườn quốc gia và khu bảo tồn trên cả nước.

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa chương trình “Trồng và giám sát rừng” tại các khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam, đặc biệt là tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Cùng với đó, Gaia sẽ tiếp tục phát triển các chương trình dọn rác bờ biển, truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng.

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức thiên niên kỷ này, việc giữ rừng và phát triển rừng có vai trò then chốt để tạo ra bể chứa carbon cũng như giảm thiểu các thiệt hại thiên tai. Việt Nam đang tập trung thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong đó có ít nhất 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, nói: “Trước sự gia tăng về mặt cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc trồng phục hồi và làm rừng tự nhiên đã mang tính khẩn cấp và sống còn. Các khu rừng có tác dụng như lá chắn gió, bão, điều tiết nước, giữ đất giúp hạn chế thiệt hại thiên tai cũng như hấp thụ khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một cây xanh được trồng hôm nay sẽ trị giá tới 4,5 tỉ đồng trong vòng 50 năm tới thông qua những tác động, như cải thiện chức năng sinh thái rừng, lọc sạch không khí, chống sạt lở, giảm thiệt hại bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu…”.

Rừng - nơi ta nương náu, mưu sinh và là không gian văn hóa

Florence Williams, nhà báo, diễn giả người Mỹ chuyên về chủ đề môi trường, sức khỏe và khoa học, đã viết trong cuốn sách The Nature Fix: Why Nature Makes Us Happier, Healthier, and More Creative (Thiên nhiên hàn gắn: Tại sao thiên nhiên làm chúng ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sáng tạo hơn) rằng: “Chúng ta cần những chuyến đi ngắn giữa thiên nhiên để kích thích các giác quan. Mọi người đều cần có chỗ trú ẩn sạch sẽ, yên tĩnh và an toàn giữa thiên nhiên trong thành phố. Tiếp xúc ngắn hạn với thiên nhiên có thể khiến ta bớt hung bạo, tăng độ sáng tạo, sẵn sàng cống hiến hơn, và cải thiện sức khỏe nói chung. Để ngăn cơn trầm cảm, cứ theo liều thuốc khuyên dùng của người Phần Lan, tức là ít nhất năm giờ mỗi tháng giữa thiên nhiên. Thế nhưng cũng như các nhà thơ, nhà thần kinh học và những người chạy bộ bên bờ sông đã cho thấy, có những lúc ta cũng cần phải đắm mình sâu hơn, lâu hơn giữa thiên nhiên hoang dã để phục hồi sau những áp lực nặng nề, để tưởng tượng ra tương lai, và để trở thành con người văn minh nhất mà mình có khả năng trở thành”.

Rừng không chỉ là sinh cảnh để người ta nương náu, mưu sinh mà còn là không gian văn hóa. Chuyện suy giảm số lượng và chất lượng của con ba khía ở Cà Mau, chuyện không gian lạnh lẽo của nhà dài Châu Mạ ở Lâm Đồng như kể trên là minh chứng cho điều ấy. Mất rừng là mất hết! Thế nên quý hóa làm sao với những ai góp sức trồng rừng!

Bài liên quan
Giữ rừng cho biển từ những chồi xanh hạnh phúc
Thuộc dự án trồng rừng 'Chồi xanh hạnh phúc' của Công ty SASCO, sáng 25.4, đội ngũ đoàn viên, thanh niên công ty đã trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giọt rừng