Trong 6 tháng đầu năm, gói 30.000 tỉ đồng trên toàn quốc mới chỉ giải ngân được trên 25% là quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng. Tại TP.HCM, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được 2.009 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 6,69% gói tín dụng ưu đãi.

Gói 30.000 tỉ đồng giải ngân được 25%: “Quá chậm, quá thấp“

Một Thế Giới | 08/08/2015, 15:15

Trong 6 tháng đầu năm, gói 30.000 tỉ đồng trên toàn quốc mới chỉ giải ngân được trên 25% là quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng. Tại TP.HCM, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được 2.009 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 6,69% gói tín dụng ưu đãi.

Nội dung trên vừa được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2015.
Theo HoREA, tại thị trường TP.HCM, tính đến hết tháng 6.2015 các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng 4.677 tỉ đồng, giải ngân được 2.009 tỉ đồng. Con số trên chỉ mới chiếm tỷ trọng 6,69% trong gói 30.000 tỉ đồng. Trong số đó, có 1.498,4 tỉ đồng cho cá nhân vay và 510,6 tỉ đồng cho 3 doanh nghiệp vay.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm, HoREA cho biết thị trường tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn so với 6 tháng cuối năm 2014 trên tất cả các phân khúc thị trường.
Phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) với giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỉ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững - trụ cột của thị trường bất động sản. Phân khúc này đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị.
Tuy nhiên, hiện tại phân khúc nhà ở này vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu, nguồn cung các dự án nhà ở và sản phẩm căn hộ với giá bán vừa túi tiền và dự án nhà ở xã hội hiện rất thiếu.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản cao cấp có sự phát triển rất mạnh mẽ với rất nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường. Trong phân khúc này, hiện đang có xu thế phát triển sang phía đông thành phố, từ bờ tây sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4), qua quận 2 và một phần quận 9 giáp ranh quận 2.
Không những vậy, hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A), hợp tác đầu tư phát triển dự án bất động sản diễn ra rất mạnh giữa các doanh nghiệp. Nổi bật vẫn là vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước và đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, SSG, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, M.I.K, TNR Holdings, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang...
Theo HoREA, TP.HCM hiện có 1407 dự án phát triển bất động sản, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Do đó, đây là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm, giao dịch bất động sản tại TP.HCM tăng mạnh khi có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3-5%.
Vì lý do đó, thị trường bất động sản được đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đơn cử các trường hợp như Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED Nhật Bản với tổng mức 200 triệu USD, Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, quỹ đầu tư Vinacapital tiếp tục mở rộng đầu tư vào bất động sản...
Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gói 30.000 tỉ đồng giải ngân được 25%: “Quá chậm, quá thấp“