Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi vừa được ngành ngân hàng công bố chính là một trợ lực giúp doanh nghiệp thủy sản vượt khó khăn.

Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng: 'Liều thuốc' giúp doanh nghiệp dễ thở

Tuyết Nhung | 28/07/2023, 08:46

Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi vừa được ngành ngân hàng công bố chính là một trợ lực giúp doanh nghiệp thủy sản vượt khó khăn.

Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỉ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30.6.2024. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

thuy-san.jpeg

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình.

Nhận định về chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỉ đồng, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh hiện tại, lãi suất đồng USD tại Mỹ vẫn đang "neo" ở mức cao, dự báo các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ chưa có dấu hiệu dừng, lãi suất vay USD tại Việt Nam vẫn cao.

Từ cuối quý 3/2022 đến nay, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động mạnh đến ngành. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh, lượng tồn kho tăng. Thị trường tiêu thụ và sản xuất nguyên liệu trong nước đều khó khăn. Cả bà con nông-ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Theo đó, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay 1 - 2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho sẽ "dễ thở" hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.

"Việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Điều quan trọng tiếp theo là chương trình phải được các ngân hàng triển khai nhanh chóng với các thủ tục đơn giản và tường minh nhất.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong cơ quan chức năng chung tay có giải pháp hỗ trợ khơi thông thị trường đầu ra và các chính sách phải được áp dụng đồng bộ. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản mới sớm tiếp cận được gói hỗ trợ để được tiếp thêm sức vượt qua thời điểm khó khăn này", đại diện VASEP nhấn mạnh

Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TP.HCM chia sẻ: "Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng với ưu đãi về lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thu mua nguyên liệu của bà con nông dân với giá cao hơn. Có nguồn vốn giá thấp thì công ty sẽ tăng nhập nguyên liệu để dự trữ nguồn hàng".

Trong khi đó, đánh giá về gói ưu đãi này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận hiện doanh nghiệp ngành lâm sản, thuỷ sản đang gặp phải hai khó khăn chính. Thứ nhất là dòng vốn cho vay đang bị siết lại do ngân hàng lo ngại thị trường chưa ấm lên sẽ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nhu cầu về thủy hải sản giảm, nên các doanh nghiệp cũng giảm sút đơn hàng.

Trước bối cảnh này, ông Hiếu cho rằng việc khơi thông dòng vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Gói ưu đãi 15.000 tỉ đồng sẽ là giải pháp tốt, tạo tín hiệu tích cực không những cho doanh nghiệp xuất khẩu mà cả cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thị trường trong nước. "Nguồn vốn tín dụng 15.000 tỉ đồng được 12 ngân hàng cam kết, mặc dù chưa phải là lớn cho cả ngành, nhưng là cửa sáng cho các doanh nghiệp và tôi tin từ nay đến cuối năm, ngành này sẽ có khởi sắc nhất định", ông Hiếu nhấn mạnh.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhìn nhận vấn đề điều hành tín dụng đang rất được Ngân hàng Nhà nước quan tâm hiện nay. Bên cạnh những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng, hạ lãi suất từ các công cụ vay vốn của các ngân hàng thương mại, các chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam... cũng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỉ đồng, gói 15.000 tỉ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai... Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng.

Vì vậy, Phó thống đốc Đào Minh Tú mong muốn có thêm những giải pháp điều hành bám sát thực tiễn trên cơ sở lý luận "soi đường" để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hấp thu tín dụng.

Bài liên quan
Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ để phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỉ đồng trước kia).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng: 'Liều thuốc' giúp doanh nghiệp dễ thở