Việc gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý đau khổ do đại dịch COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các cuộc gọi xe cấp cứu liên quan đến tự tử.

‘Gọi xe cấp cứu liên quan tự tử tăng hơn 50% trong năm đầu đại dịch’

Sơn Vân | 08/06/2022, 13:21

Việc gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý đau khổ do đại dịch COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các cuộc gọi xe cấp cứu liên quan đến tự tử.

Nghiên cứu mới cho thấy số lượt cuộc gọi xe cấp cứu liên quan đến tự tử ở Úc đã tăng hơn 50% trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Phân tích dữ liệu xe cứu thương từ tháng 3.2020 đến tháng 3.2021 cho thấy sự gia tăng đáng kể và bền vững về số người thực hiện các nỗ lực tự sát, ý định tự tử và tự làm hại bản thân so với trước đại dịch.

Được xuất bản trên máy chủ lưu trữ sơ bộ và chưa đánh giá ngang hàng, nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ Hệ thống Giám sát Xe cứu thương Quốc gia Úc. Phát hiện của nó tương phản với dữ liệu trước đó cho thấy tỷ lệ tử vong do tự tử giảm ở Úc vào năm 2020 so với 2019.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Phó giáo sư P Daniel Lin, giảng viên cao cấp về tâm thần học và sức khỏe tâm thần tại Đại học New South Wales (Úc), cho biết sự gia tăng các cuộc gọi cấp cứu liên quan đến tự sát từ tháng 3.2020 trở đi vẫn được duy trì ngay cả sau khi các hạn chế về phong tỏa được nới lỏng.

Những gì chúng tôi có thể kết luận là nhu cầu gọi xe cấp cứu với những vấn đề như vậy chắc chắn đã tăng lên sau khi đại dịch bắt đầu”, ông nói.

P Daniel Lin cho biết mức tăng là đáng kể nhất ở bang Victoria, nơi cũng có đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên nghiêm trọng nhất. “Số người tự sát và tự làm hại mình đi xe cấp cứu dường như cao hơn các bang khác”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một số người cần trợ giúp lâm sàng có thể “chuyển sang dịch vụ xe cấp cứu do các dịch vụ y tế khác bị gián đoạn”, trong khi sự gia tăng tâm lý đau khổ cũng có thể góp phần làm tăng các cuộc gọi.

goi-xe-cap-cuu-lien-quan-tu-tu-tang-hon-50.jpg
Sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nhu cầu gọi xe cấp cứu vì các vấn đề liên quan đến tự tử đã tăng lên - Ảnh: Getty Images

Giáo sư Jayashri Kulkarni, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tâm thần học Monash Alfred, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Dữ liệu này cho thấy những gì mà nhiều bác sĩ đã nói về, nhìn thấy và dự đoán”.

Trong lịch sử, người dân dựa vào khả năng phục hồi nội bộ để vượt qua khủng hoảng, theo bà Jayashri Kulkarni.

Các số liệu từ cuộc Đại suy thoái và chiến tranh cùng tất cả những thứ khác cho thấy tỷ lệ tự tử đã giảm xuống. Nhưng tất nhiên, bệnh tật tăng lên về mặt sức khỏe tâm thần”, bà Jayashri Kulkarni chia sẻ.

Nghiên cứu mới gợi ý rằng nhiều người đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề sức khỏe tâm thần hơn là từ bỏ và hoàn thành việc tự tử. Điều đó có nghĩa là các nhân viên xe cứu thương đang xem xét nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần hơn nói chung”, bà nói thêm.

Jayashri Kulkarni ghi chú rằng sự gia tăng sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ở phụ nữ trung niên - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác nhân gây căng thẳng, bao gồm công việc không an toàn, trách nhiệm học tập từ xa, chăm sóc của người già, bị phong tỏa chung với bạn đời bạo lực.

Jayashri Kulkarni cho biết các phát hiện đã nhấn mạnh rằng các vấn đề xã hội học liên quan đến COVID-19 cần được chú ý.

Úc cần nhiều dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn cho tất cả nhóm tuổi để giúp đáp ứng nhu cầu cho những người mắc bệnh”, Jayashri Kulkarni cho hay.

WHO: Đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em gái và phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới; người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20-24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi.

Hôm 2.3 vừa qua, WHO cho biết đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần, chỉ ra rằng số ca mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu.

Trong báo cáo khoa học đó, WHO cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã cản trở đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.

Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định rằng chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%. Trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, số ca mắc chứng rối loạn lo âu trên toàn cầu tăng 25,6%.

Theo Brandon Gray - chuyên gia về sức khỏe thần kinh của WHO, xét về quy mô thì đây là mức tăng rất lớn.

Báo cáo chỉ ra đại dịch đã có tác động đáng kể tới sức khỏe tâm thần và đời sống của người dân.

Những nơi ghi nhận tình trạng gia tăng cao nhất là những nơi có tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới hằng ngày và tình trạng hạn chế di chuyển ở mức cao. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20-24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi.

Về số ca tự tử, các số liệu được tổng hợp không phản ánh một xu hướng toàn cầu rõ ràng. Có nơi ghi nhận tình trạng tự tử gia tăng nhưng cũng có nơi giảm hoặc giữ nguyên như trước đại dịch.

Brandon Gray chỉ ra rằng có thể điều này là do quá trình thu thập và phân tích số liệu liên quan thường bị gián đoạn. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ kể từ khi đại dịch bùng phát, nguy cơ xảy ra các hành vi tự tử cao hơn, bao gồm cả hành động tìm cách tự tử hoặc tự hại chính mình trong giới trẻ.

Tình trạng kiệt sức ở nhân viên y tế, sự cô đơn và lo âu khi có kết quả chẩn đoán mắc COVID-19 cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các ý nghĩ tự tử.

Báo cáo của WHO chỉ ra người rối loạn tâm thần cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Song cần có thêm các nghiên cứu để có kết luận chắc chắn về vấn đề này.

Ngoài ra, báo cáo của WHO cũng nêu rõ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoại trú đã bị gián đoạn đáng kể trong năm 2020 vì đại dịch bùng phát. Tình trạng này có thể được giảm thiểu bằng cách chuyển sang hình thức tư vấn trực tuyến. Thế nhưng, hình thức này cũng có những hạn chế nhất định, làm giảm hiệu quả của các liệu pháp chăm sóc, đặc biệt khó tiếp cận với những người không có sẵn kết nối internet hoặc không nhiều kiến thức về kỹ thuật.

Brandon Gray cho rằng những khó khăn trong việc ứng phó với các thách thức nảy sinh trong thời gian đại dịch chủ yếu do các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được đầu tư đúng đắn trong nhiều thập kỷ.

Bài liên quan
Biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy xuất hiện các đại dịch lớn trong tương lai
Các nhà nghiên cứu cảnh báo sẽ có ít nhất 15.000 loại vi rút có tính lây nhiễm cao giữa các loài xuất hiện trong vòng 50 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Gọi xe cấp cứu liên quan tự tử tăng hơn 50% trong năm đầu đại dịch’