Hôm 19.9, Google cho biết Bard, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty, sẽ có khả năng kiểm tra tính xác thực các câu trả lời và phân tích dữ liệu Google cá nhân của người dùng khi gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng bắt kịp ChatGPT về mức độ phổ biến.

Google Bard có các tính năng mới hấp dẫn dù lưu lượng truy cập kém xa ChatGPT

Sơn Vân | 19/09/2023, 18:30

Hôm 19.9, Google cho biết Bard, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty, sẽ có khả năng kiểm tra tính xác thực các câu trả lời và phân tích dữ liệu Google cá nhân của người dùng khi gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng bắt kịp ChatGPT về mức độ phổ biến.

Việc OpenAI phát hành ChatGPT, chatbot AI được Microsoft hậu thuẫn, vào tháng 11.2022 đã tạo ra cuộc chạy đua trong ngành công nghệ nhằm cung cấp cho người tiêu dùng khai thác generative AI. Hồi tháng 1, ChatGPT từng là ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay và hiện là 1 trong 30 trang web hàng đầu thế giới.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Bard không thành công như ChatGPT. Theo công ty phân tích trang web Similarweb, Bard nhận được 183 triệu lượt truy cập vào tháng 8, chỉ bằng 13% so với ChatGPT.

Khi tìm cách giành được chỗ đứng trong không gian AI đang phát triển nhanh chóng, Google đang triển khai Bard Extensions, cho phép người dùng nhập dữ liệu từ các sản phẩm khác của Google. Ví dụ người dùng có thể yêu cầu Bard tìm kiếm file của họ trong Google Drive hoặc cung cấp bản tóm tắt hộp thư đến Gmail của người dùng.

Jack Krawczyk, Giám đốc sản phẩm cấp cao của Google, cho biết hiện tại người dùng Bard sẽ chỉ có thể lấy thông tin từ các ứng dụng Google. Thế nhưng, Google đang hợp tác với các công ty bên ngoài để kết nối ứng dụng của họ với Bard trong tương lai.

Một tính năng mới khác trong Bard nhằm giảm bớt vấn đề dai dẳng với generative AI: Các phản hồi không chính xác được gọi là “ảo tưởng”. Người dùng sẽ có khả năng xem các phần câu trả lời của Bard khác biệt và tương tự với kết quả tìm kiếm Google.

Jack Krawczyk nói: “Chúng tôi đang trình bày Bard theo cách mà chatbot này thừa nhận khi không tự tin (trả lời đúng)”, đồng thời giải thích rằng mục đích là xây dựng niềm tin của người dùng vào generative AI thông qua việc yêu cầu Bard chịu trách nhiệm.

Tính năng mới thứ ba cho phép người dùng mời người khác tham gia cuộc trò chuyện với Bard.

google-bard-co-cac-tinh-nang-moi-khi-kem-xa-chatgpt-ve-luot-truy-cap.jpg
Google vừa bổ sung các tính năng mới cho Bard trong nỗ lực bắt kịp ChatGPT - Ảnh: Internet

Dù ChatGPT đang vượt xa Bard về mức độ phổ biến nhưng lưu lượng truy cập website chatbot AI của OpenAI giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Song có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm sắp kết thúc, theo Similarweb.

Số lượt truy cập trang web ChatGPT trên máy tính để bàn và thiết bị di động trên toàn thế giới đã giảm 3,2% xuống còn 1,43 tỉ trong tháng 8, sau hai tháng liên tiếp trước đó giảm gần 10%. Thời lượng khách truy cập trang web ChatGPT cũng giảm kể từ tháng 3, từ mức trung bình 8,7 phút xuống còn 7 phút vào tháng 8.

Tuy nhiên, lượng unique visitor (khách truy cập duy nhất tính theo địa chỉ IP) trên toàn thế giới trong tháng 8 đã tăng lên tới 180,5 triệu người dùng từ mức 180 triệu hồi tháng 7.

Trường học hoạt động trở lại vào tháng 9 có thể giúp cải thiện lưu lượng truy cập và thời gian sử dụng trang web ChatGPT. Một số trường đã chào đón chatbot AI này. Lưu lượng truy cập trang web ChatGPT ở Mỹ trong tháng 8 tăng nhẹ, điều này phù hợp với việc một số trường học mở cửa trở lại.

Chuyên gia David F. Carr của Similarweb, người thường xuyên theo dõi ChatGPT và các đối thủ cạnh tranh của nó, cho biết: “Học sinh tìm kiếm trợ giúp làm bài tập về nhà dường như là một phần của câu chuyện: Tỷ lệ người dùng trẻ tuổi của trang web ChatGPT đã giảm trong mùa hè và hiện bắt đầu tăng trở lại”.

ChatGPT đã thúc đẩy cơn sốt sử dụng AI một cách điên cuồng trong các công việc hàng ngày từ viết tiểu luận đến lập trình và đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1 (60 ngày sau khi ra mắt). Công nghệ generative AI sử dụng dữ liệu trong quá khứ để tạo nội dung mới, chẳng hạn như viết tiểu luận hoặc thơ.

Trước khi Threads của Meta ra mắt, ChatGPT là ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay (100 triệu người dùng sau 2 tháng).

OpenAI đã phát hành ứng dụng ChatGPT trên iOS vào tháng 5, điều này có thể làm giảm một số lưu lượng truy cập từ trang web của họ. ​ChatGPT được sử dụng miễn phí nhưng cũng cung cấp gói đăng ký Plus trả phí với giá 20 USD/tháng. Điểm khác biệt là ChatGPT Plus hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 thay vì GPT-3.5 như ChatGPT.

Ngoài ChatGPT, OpenAI kiếm tiền bằng cách trực tiếp bán quyền truy cập vào các mô hình ngôn ngữ lớn của mình cho các nhà phát triển, doanh nghiệp và thông qua quan hệ đối tác với Microsoft.

Hồi tháng 1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho "cha đẻ" ChatGPT.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại gần đây có thể giúp kiểm soát chi phí khi chạy ChatGPT, vốn đòi hỏi năng lực tính toán mạnh mẽ để trả lời các truy vấn. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI đã mô tả chi phí vận hành dịch vụ là "rất đáng kinh ngạc".

OpenAI đang hướng tới doanh thu 1 tỉ USD trong năm nay khi các doanh nghiệp đua nhau áp dụng công nghệ đằng sau ChatGPT, chatbot đã khơi dậy làn sóng đầu tư vào AI.

OpenAI đang kiếm được khoảng 80 triệu USD doanh thu mỗi tháng, một nguồn tin am hiểu vấn đề này tiết lộ cho trang Bloomberg.

Trang The Information lần đầu tiên đưa tin về doanh thu của OpenAI, gồm cả việc công ty khởi nghiệp này lỗ khoảng 540 triệu USD vào năm 2022 khi phát triển mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 và ChatGPT.

Kể từ khi ra mắt ChatGPT, OpenAI đã làm việc với các doanh nghiệp non trẻ đến các tập đoàn lớn để tích hợp công nghệ này vào hoạt động kinh doanh và sản phẩm của họ.

Trong tháng 8, OpenAI đã ra mắt phiên bản ChatGPT dành cho doanh nghiệp với các tính năng bổ sung và biện pháp bảo vệ quyền riêng tư. Đây là nỗ lực quan trọng nhất của OpenAI nhằm thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp và tăng doanh thu từ sản phẩm nổi tiếng nhất của mình.

Việc triển khai ChatGPT Enterprise là một bước tiến trong kế hoạch kiếm tiền từ chatbot AI của OpenAI.

Doanh thu của OpenAI được dự đoán sẽ tăng đáng kể trong năm 2023. Các nhà phân tích từng kỳ vọng doanh thu của OpenAI sẽ đạt 200 triệu USD trong năm nay trước khi tăng lên 1 tỉ USD vào 2024, theo hãng tin Reuters. Như vậy, với doanh thu gần 1 tỉ USD trong năm nay, OpenAI đã vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích.

Bài liên quan
'Xô đổ kỷ lục của ChatGPT nhưng Threads dễ gây nhàm chán'
Threads đạt mốc hơn 100 triệu người dùng sau 5 ngày ra mắt, vượt ChatGPT để trở thành nền tảng trực tuyến phát triển nhanh nhất lịch sử. Song theo Nathan McAlone - biên tập viên trang Insider, Threads có một khiếm khuyết lớn sẽ khiến nó bị đánh giá thấp: Dễ gây nhàm chán.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google Bard có các tính năng mới hấp dẫn dù lưu lượng truy cập kém xa ChatGPT