Khoảng 20 năm trước, Google đã đạt được một cột mốc quan trọng. Từ điển Merriam-Webster đã thêm "Google" làm động từ để chỉ việc tìm kiếm thứ gì đó trên web.
Thế giới số

Google đang mất đi vị thế là một động từ vì Gen Z thay đổi hành vi tìm kiếm

Sơn Vân 17:39 07/09/2024

Khoảng 20 năm trước, Google đã đạt được một cột mốc quan trọng. Từ điển Merriam-Webster đã thêm "Google" làm động từ để chỉ việc tìm kiếm thứ gì đó trên web.

Từ điển Merriam-Webster là một trong những từ điển tiếng Anh uy tín và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Nó được đặt theo tên của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Noah Webster ( Mỹ).

Đây là tin tức đáng kinh ngạc với công ty này. Google đã trở nên phổ biến đến mức giờ đây trở thành một phần trong vốn từ vựng của nền văn hóa và xã hội của chúng ta. Phần còn lại là lịch sử. Hiện Google là một trong những tập đoàn có lợi nhuận và quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên ngày nay, vị thế đặc biệt này đã bắt đầu tuột dốc.

"Tạm biệt Google, động từ. Những người trẻ tuổi đang 'tìm kiếm', chứ không phải 'Google' nữa", Mark Shmulik và các nhà phân tích internet khác tại Bernstein Research viết trong một lưu ý gửi đến các nhà đầu tư.

Bernstein Research là bộ phận của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu AllianceBernstein. Đây là tổ chức nghiên cứu đầu tư nổi tiếng, chuyên cung cấp các phân tích sâu sắc về thị trường và các công ty niêm yết.

Phát hiện trên là kết quả đáng chú ý hàng đầu trong nghiên cứu mới về Gen Z mà các nhà phân tích Bernstein Research vừa công bố. Sinh ra trong những năm 1997 đến 2012, Gen Z là thế hệ đầu tiên trải nghiệm toàn bộ cuộc đời trực tuyến, với nhiều người chuyển thẳng đến smartphone và ứng dụng để truy cập internet, thay vì máy tính để bàn và trình duyệt web.

Hiện nay, người tiêu dùng Gen Z đang lớn lên và trở thành những bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Họ đang thay đổi cách thức thực hiện mọi việc. Sẽ có những người thích nghi và thành công, trong khi những người không bắt kịp được sẽ gặp khó khăn hoặc thất bại.

"Gen Z và đặc biệt là Gen Alpha, hầu như không sử dụng Google như một động từ nữa mà chỉ nói 'tìm kiếm'. Những người có con tuổi teen hãy thử đề nghị chúng tìm kiếm thứ gì đó trực tuyến và mô tả những gì các em đang làm thử xem", Mark Shmulik và các đồng nghiệp giải thích.

Gen Alpha là thế hệ tiếp theo sau Gen Z, gồm những người sinh ra từ đầu những năm 2010 đến khoảng giữa những năm 2020. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong thời đại kỹ thuật số.

Gen Z thường truy cập ứng dụng TikTok để xem các đề xuất về nhà hàng và khách sạn. Các em sẽ thấy nhà sáng tạo yêu thích giới thiệu một sản phẩm mới gây phấn khích, hoặc truy cập trực tiếp vào ứng dụng hoặc trang web của thương hiệu đó, các nhà phân tích giải thích.

google-dang-mat-di-vi-the-la-mot-dong-tu-vi-gen-z-thay-doi-hanh-vi-tim-kiem.jpg
Gen Z và đặc biệt là Gen Alpha hầu như không sử dụng Google như một động từ nữa mà chỉ nói "tìm kiếm" - Ảnh: Internet

Liệu Google có nên lo lắng về "việc mất động từ" này không, như các nhà phân tích nói?

Có thể Google lo lắng vì khi không còn là một động từ nữa, điều đó cho thấy công ty không còn quá phổ biến nữa và không tốt lắm. Có ai còn nhớ chiến dịch quảng cáo "Bạn có Yahoo không?" của Yahoo không? Có lẽ là không. Hầu hết người dùng có thể đã ngừng Yahooing vào năm 2005.

Tuy nhiên, Google thực sự không vui khi trở thành một động từ vào thời điểm đó (năm 2005). Lý do vì nếu tên công ty hoặc sản phẩm của bạn trở nên quá phổ biến thì sẽ khó để đăng ký nhãn hiệu. Hãy xem điều gì đã xảy ra với aspirin trong thế kỷ trước. Ban đầu aspirin là một thương hiệu nhưng sau đó trở thành tên gọi chung cho một loại thuốc và mất đi sự bảo hộ thương hiệu.

Yahooing là thuật ngữ đã từng rất phổ biến trong quá khứ, đặc biệt là vào khoảng đầu những năm 2000, khi Yahoo là một trong những cổng thông tin internet lớn nhất thế giới. Khi ai đó nói "Tôi đang Yahooing", nghĩa là họ đang sử dụng công cụ tìm kiếm của Yahoo để tìm kiếm thông tin trên internet.

Về chuyện Google đang mất đi vị thế là một động từ, Mark Shmulik bình luận: "Tôi cảm thấy việc trở thành động từ có ý nghĩa quan trọng trên internet vì quy mô/hiệu ứng mạng và lợi thế về công nghệ. Tôi nghĩ nếu bạn không còn là động từ bây giờ thì đó là vì công nghệ và hành vi của người dùng đã tiến bộ".

Mối đe dọa lớn nhất với Google

Google đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ OpenAI nói riêng và AI nói chung khi chờ đợi quyết định về cách các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ lên kế hoạch cân bằng sân chơi trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet.

Đầu tháng 8, Amit Mehta (thẩm phán liên bang Mỹ) ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền liên bang Mỹ nhằm vào sự thống trị thị trường của các hãng công nghệ lớn.

Phán quyết này mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet (công ty mẹ của Google), điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.

Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Merrick Garland gọi phán quyết này là "chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ", đồng thời nói thêm rằng "không có công ty nào, bất kể lớn hay có ảnh hưởng đến đâu, có thể đứng trên luật pháp".

Ngoài ra, số lượng ngày càng tăng những người sử dụng các công cụ AI, gồm cả chatbot ChatGPT đình đám từ OpenAI, đã làm xói mòn thị phần lĩnh lĩnh vực tìm kiếm của Google, theo các nguồn tin, nhà đầu tư và nhà phân tích.

"Tôi nghĩ Google hiện tại, AI là một vấn đề lớn hơn nhiều so với phán quyết đó. AI đang thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của sản phẩm tìm kiếm", Arvind Jain, một cựu kỹ sư Google từng làm việc trên các sản phẩm gồm cả Google Search trong một thập kỷ, cho biết.

Đang điều hành một công ty tìm kiếm doanh nghiệp có tên Glean, Arvind Jain cho biết tác động của AI là ngay lập tức so với phán quyết này, vốn sẽ bị kháng cáo và mất nhiều thời gian để ảnh hưởng đến thị trường.

Google từ lâu đồng nghĩa với tìm kiếm, chiếm khoảng 90% thị phần toàn cầu và mang lại khoảng 175 tỉ USD doanh thu hàng năm thông qua hoạt động kinh doanh. Ngay cả Apple, vốn thích xây dựng tất cả phần mềm và phần lớn phần cứng đi kèm với các thiết bị của mình, đã cho phép Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari với mức phí trên dưới 20 tỉ USD/năm.

Song, những ngày Google được đối xử ưu đãi đã kết thúc ngay cả trước khi hàng loạt vụ kiện chống độc quyền được giải quyết. Trong nỗ lực phát triển AI, Apple đã công bố quan hệ đối tác với OpenAI để tích hợp ChatGPT vào các thiết bị sắp ra mắt của mình. Apple nhấn mạnh vào cơ sở không độc quyền của thỏa thuận này và nói về khả năng đưa Google trở thành đối tác khác.

Các nhà phân tích cho biết phán quyết chống lại Google sẽ đẩy nhanh động thái của Apple hướng tới các dịch vụ tìm kiếm hỗ trợ AI, nếu nhà sản xuất iPhone buộc phải chấm dứt thỏa thuận Google.

Được Microsoft hậu thuẫn, OpenAI đã tham gia lĩnh vực tìm kiếm bằng cách ra mắt chậm rãi SearchGPT. Đây là công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI với khả năng truy cập thông tin theo thời gian thực từ internet.

Một cựu giám đốc cấp cao Google đã dự đoán: "AI sẽ phát triển nhanh hơn tốc độ mà Bộ Tư pháp Mỹ có thể chống lại Google. Nói cách khác, toàn bộ thế độc quyền sẽ kết thúc. Sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm sẽ kết thúc do AI phát triển nhanh chóng".

Cả cựu giám đốc cấp cao Google cũng như nhiều nhà phân tích Phố Wall đều đồng ý rằng công ty có nguyên liệu thô cần thiết để dẫn đầu trong AI: Một mô hình ngôn ngữ lớn để đào tạo AI và một công cụ tìm kiếm. Thế nhưng, những nỗ lực của Google dường như bị phân tán trước việc OpenAI phát triển mạnh mẽ và thu hút những người dùng trẻ tuổi hơn.

Sự phổ biến của AI tạo sinh khiến Google bất ngờ. Dù là nguồn nghiên cứu nền tảng đằng sau công nghệ này, Google không phát hành sản phẩm tiêu dùng nào cho đến tận sau khi ChatGPT trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất vào đầu năm 2023.

"Mối đe dọa lớn nhất với Google có thể chính là bản thân Google. Chìa khóa để áp dụng bất kỳ AI nào là sự tin tưởng, và những sai lầm ban đầu của công ty với AI Overviews cho thấy các kỹ sư Google tập trung nhiều hơn vào việc phát hành nhanh hơn thay vì làm đúng khi cố gắng theo kịp tốc độ của OpenAI lẫn các công ty khác", Rebecca Wettemann, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chính tại công ty nghiên cứu Valoir, nhận định.

Rebecca Wettemann đã đề cập đến AI Overviews của Google, tính năng mới sử dụng AI để trả lời các truy vấn tìm kiếm xuất hiện trước các liên kết. AI Overviews bị các nhà xuất bản chỉ trích vì làm giảm lượng truy cập giới thiệu từ Google và mắc lỗi như hướng dẫn người dùng ăn keo, nói cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama là người Hồi giáo.

Gil Luria, nhà phân tích tại hãng D.A. Davidson, tin rằng sự giám sát của cơ quan quản lý cũng như mối đe dọa từ AI có liên quan đến nhau. "Một phần lý do Bộ Tư pháp Mỹ giám sát các hoạt động kinh doanh của Google là vì thị trường thực tế đang biến động ngay lúc này và họ muốn đảm bảo Google không mở rộng sự thống trị thị trường hiện tại của mình", Gil Luria nhận định.

Phán quyết chống độc quyền có thể chưa tác động lớn đến Google, nhưng sẽ mở ra thị trường tìm kiếm cho nhiều đối thủ hơn, theo Richard Socher - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm AI You.com, từng là giám đốc khoa học Salesforce. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc chấm dứt sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm sẽ "rất khó khăn".

"Chưa có đối thủ nào đủ mạnh để làm giảm sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm. Có thể sự thay đổi hiện tại, như AI phát triển nhanh, sẽ là yếu tố quan trọng giúp tạo ra những lựa chọn thực sự đa dạng hơn cho người tiêu dùng”, Richard Socher bình luận.

Bài liên quan
Bị Amazon đánh giá thấp khả năng AI, Google phản pháo: 'Chúng tôi mang đến hiệu suất tổng thể tốt nhất'
Amazon có hướng dẫn bán hàng nội bộ chế giễu khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) của một số đối thủ lớn nhất, gồm cả Google.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm nhà giáo dạy thêm
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google đang mất đi vị thế là một động từ vì Gen Z thay đổi hành vi tìm kiếm