Google ngày 22.1 tuyên bố chặn công cụ tìm kiếm của mình tại Úc nếu chính quyền nước này quyết xúc tiến luật buộc các nền tảng công nghệ trả phí cho báo chí.
Giới chức Canberra dự định ban hành luật yêu cầu các nền tảng như Google, Facebook thương lượng trả phí cho nhà xuất bản hoặc đài truyền hình của Úc nếu nội dung họ sản xuất xuất hiện trên kết quả tìm kiếm Google hay giao diện hiển thị thông tin Facebook. Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận về giá cả, chính quyền sẽ chỉ định trọng tài phân xử.
“Với rủi ro hoạt động và tài chính không thể kiểm soát một khi có luật này, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm Google tại Úc”, đại diện Google Mel Silva tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội Úc.
Tuyên bố trên nhận phải chỉ trích từ Thủ tướng Scott Morrison: “Chúng tôi hoan nghênh những ai muốn thương lượng về vấn đề đó (trả phí cho báo chí) tại Úc. Nhưng chúng tôi không đáp lại lời đe dọa”.
Theo Google, luật yêu cầu trả phí quá bao quát. Công ty không tiết lộ doanh thu họ kiếm được tại Úc, nhưng quảng cáo trên nền tảng tìm kiếm vốn là nguồn thu lớn nhất của “ông lớn” công nghệ.
Chính quyền Washington tuần qua đã lên tiếng đề nghị phía Canberra rút lại nỗ lực ban hành luật, thay vào đó chỉ nên đặt ra quy định mang tính tự nguyện.
Lời đe dọa của Google được đưa ra chỉ vài giờ sau khi họ đạt được thỏa thuận trả phí cho nội dung do một số nhà xuất bản Pháp sản xuất. Thỏa thuận trị giá 1,3 tỷ USD kéo dài 3 năm.
Facebook cùng Google nhiều năm qua cố gắng chống lại yêu cầu trả phí từ nhiều quốc gia. Năm 2013 Đức thông qua luật yêu cầu các nền tảng công nghệ trả một khoản phí khi hiển thị nội dung tin tức, nhưng Google ngay sau đó đã bác bỏ yêu cầu trên, khiến lượng truy cập vào hàng loạt trang tin tức Đức giảm mạnh. Chính quyền Berlin phải ngậm ngùi cho phép “ông lớn” công nghệ này hiển thị tin tức miễn phí trở lại.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng thông qua bản sửa đổi luật bản quyền vào tháng 4.2019, đặt ra phí sử dụng tin tức đối với Google và các hãng công nghệ khác. Pháp hồi tháng 10 cũng thi hành luật riêng. Tuy nhiên bất chấp nỗ lực hối thúc đàm phán, Google vẫn không có ý muốn hợp tác.