Ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Có thể sẽ xem xét việc thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến việc này.
Trưa 26.5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google).
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Alphabet, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi được biết Google kinh doanh thành công tại Việt Nam với nhiều sản phẩm đã và đang trở nên phổ biến, quen thuộc với người dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, với sự phát triển nhanh đó, Google nên mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam để có thể phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan.
“Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thành công ở Việt Nam và cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, mang lại lợi ích cho cả hai bên”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, có đối tượng sử dụng Youtube để đưa thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Google phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để xử lý, loại bỏ các thông tin này.
Phát biểutại cuộc gặp, Chủ tịch Tập đoàn Alphabet khẳng định cam kết ủng hộ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Ông cũng bày tỏ ấn tượng về trình độ, khả năng của người dân Việt Nam khi “thấy được điều này thông qua số lượng người Việt Nam sử dụng Youtube cho mục đích giáo dục”; Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sử dụng kênh Youtube và có các lập trình viên xuất sắc.
Chủ tịch Tập đoàn Alphabet cho biết ông vừa dự lễ khai trương một dự án mà Googlehỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho nông dân Việt Nam, qua đó, giúp người dân Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng thông tin phục vụ cuộc sống hàng ngày và lao động, sản xuất.
Ông Eric Schmidt cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam và sẽ xem xét việc thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến việc này.
Ghi nhận ý kiến của Chủ tịch Tập đoàn Alphabet, Thủ tướng đánh giá cao việc Google hỗ trợ cho Hội Nông dân Việt Nam, theo đó, giúp đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho hàng chục nghìn nông dân.
Về những vấn đề mà ông Eric Schmidt nêu, Thủ tướng cho biết sẽ giao cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét xử lý trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cuối năm 2015, Tổng giám đốc điều hành Tập đoànGoogle Sundar Pichai cũng đã có chuyến thăm Việt Nam.
Thời điểm đó, ông Sundar Pichai cũng đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của VNtrong phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và cho rằng với việc Việt Nam ký kết cácHiệp định thương mại tự do, Google sẽ có cơ hội lớn để hợp tác và mở rộng hơn nữa hoạt động tại Việt Nam.
Ông Sundar Pichai cũng tiết lộ, theo khảo sát, lượng sử dụng công cụ tìm kiếm Google phục vụ cho mục đích lấy thông tin và giáo dục của người dân Việt Nam cao gấp 3 lần mức trung bình của toàn thế giới.
Cùng với đó, Tổng giám đốc Google cũng cho biết sắp tới, Tập đoàn này sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo cho khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục - đào tạo.
Hoài Phong