Kế hoạch niêm yết tại Mỹ của Grab đã tiết lộ một số thông tin quan trọng của kỳ lân công nghệ Singapore, từ cơ cấu sở hữu, tài chính đến định giá. Nó cũng có một số tác động với các đối thủ Đông Nam Á như Gojek (Indonesia) khi Grab chuẩn bị niêm yết trong tương lai.

Grab cố có lãi từ khoản lỗ lũy kế 10 tỉ USD, Gojek muốn định giá cao hơn 40 tỉ USD khi sáp nhập Tokopedia

Nhân Hoàng | 14/04/2021, 16:08

Kế hoạch niêm yết tại Mỹ của Grab đã tiết lộ một số thông tin quan trọng của kỳ lân công nghệ Singapore, từ cơ cấu sở hữu, tài chính đến định giá. Nó cũng có một số tác động với các đối thủ Đông Nam Á như Gojek (Indonesia) khi Grab chuẩn bị niêm yết trong tương lai.

Dưới đây là 5 điều rút ra từ kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Grab được nhiều người mong đợi.

CEO Grab nắm quyền biểu quyết mạnh mẽ

Theo hồ sơ của Altimeter Growth Corp, công ty mua lại mục đích đặc biệt (hoặc SPAC) mà Grab sẽ hợp nhất để niêm yết tại Mỹ, Giám đốc điều hành Grab - Anthony Tan, đồng sáng lập Tan Hooi Ling và Chủ tịch Ming Maa sẽ có cổ phiếu Loại B, đi kèm với nhiều quyền biểu quyết hơn. Cổ phần của họ chiếm 3,3% tổng số cổ phần nhưng chiếm 60,4% số lượng bỏ phiếu có trọng số.

Cơ cấu sở hữu gợi ý rằng Grab muốn tăng tốc độ ra quyết định, đồng thời đảm bảo một số quyền quản trị bằng cách giữ quyền sở hữu của họ dưới 2/3 tổng quyền biểu quyết.

grab-co-co-lai-sau-lo-luy-ke-10-ti-usd.jpg
Giám đốc điều hành Grab - Anthony Tan

Các cổ đông lớn nhất sẽ là SoftBank Vision Fund, nắm giữ 18,6% cổ phần; Uber Technologies 14,3% cổ phần; Công ty gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing 7,5% cổ phần; Toyota Motor 5,9% cổ phần.

Cố có lãi sau khoản lỗ lũy kế tới 10 tỉ USD

Grab đánh dấu khoản lỗ ròng hơn 2 tỉ USD trong ít nhất 3 năm liên tiếp đến 2020, theo các tài liệu được công bố hôm 13.4. Khoản lỗ ròng vào năm 2020 là 2,7 tỉ USD, so với doanh thu ròng là 1,19 tỉ USD. Đạt được lợi nhuận sẽ là thách thức then chốt.

Bảng cân đối kế toán cho thấy khoản lỗ lũy kế đạt 10 tỉ USD tính đến cuối năm 2020, dẫn đến vốn chủ sở hữu của cổ đông bị âm khoảng 6,2 tỉ USD. Tổng tài sản là 5,5 tỉ USD, trong khi tổng nợ phải trả là 11,7 tỉ USD.

Lỗ lũy kế là sự suy giảm về tài sản được hiểu là giá trị ghi trên sổ sách nhiều hơn giá trị thu hồi thực tế của tài sản đó. Khi đó, ta cần ghi nhận một khoản lỗ lũy kế. Ví dụ một doanh nghiệp mua máy móc thiết bị cho việc sản xuất giấy với thời gian khấu hao là 7 năm nhưng tới nă thứ 5, tài sản khấu hao đã hết giá trị sử dụng. Như vậy, trong thời gian sử dụng, tài sản đã hao mòn nhanh hơn so với cách tính khấu hao nên đã tồn tại khoản lỗ lũy kế.

Công thức tính lỗ lũy kế: Lỗ lũy kế = Giá trị ghi trên sổ của CGU – giá trị thu hồi của CGU (trong đó CGU là một khối đơn vị sinh ra tiền)

Grab có kế hoạch quản lý chi phí trong khi tăng doanh thu của mình. Giám đốc tài chính Grab - Peter Oey cho biết trong một webcast dành cho các nhà đầu tư rằng việc tối ưu hóa chi phí bán hàng và tiếp thị, chi phí cố định và chi phí tính theo đầu người cũng như chi phí điện toán đám mây và công nghệ khác, sẽ đóng góp vào lợi nhuận dài hạn.

Trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần), Grab dự báo rằng hãng sẽ có lãi vào năm 2023, khoảng 500 triệu USD, so với mức lỗ 800 triệu USD vào năm ngoái.

Giao hàng trở thành mảng lớn nhất của Grab trong 3 năm tới

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Grab trước đây là gọi xe, nhưng giao hàng đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây, một phần được thúc đẩy bởi xu hướng làm việc tại nhà do COVID-19 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục là động lực chính.

Mảng kinh doanh giao hàng đã đánh dấu tổng giá trị giao dịch là 5,5 tỉ USD vào năm 2020. Nó chiếm khoảng 44% GMV (tổng giá trị giao dịch) của Grab. Theo dự đoán của công ty, mảng kinh doanh giao hàng sẽ tiếp tục là nguồn GMV lớn nhất của Grab đến năm 2023.

GMV (tổng giá trị giao dịch) là tổng số tiền hàng hóa bán được trên một nền tảng online. GMV là thuật ngữ được sử dụng trong bán lẻ trực tuyến để chỉ ra tổng giá trị đồng USD bán cho hàng hóa được bán thông qua một thị trường cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Kế hoạch cũng cho biết mảng giao hàng sẽ thu được lợi nhuận trong năm nay trên cơ sở EBITDA.

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với trang Nikkei hôm 13.4, ông Anthony Tan cho biết Grab sẽ "xây dựng mạng lưới giao hàng hiệu quả và chi phí thấp nhất" bằng cách đầu tư vào bản đồ và công nghệ khác, đồng thời nói thêm rằng mức độ thâm nhập giao hàng thực phẩm của Đông Nam Á vẫn còn thấp.

Grab nhận ra rủi ro ở Myanmar

Trong phần trình bày với nhà đầu tư, Grab đã nêu ra khoảng 50 yếu tố rủi ro. Một mục đầu dòng viết "Grab có thể bị ảnh hưởng bởi các luật và quy định trừng phạt kinh tế, thương mại áp dụng cho Myanmar", ám chỉ quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế suy thoái kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2.

Grab gia nhập Myanmar vào năm 2017, đây là một trong những nước mới nhất trong số 8 thị trường mà hãng đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ vận tải và giao hàng. Thế nhưng việc kinh doanh này đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn internet và những khó khăn khác kể từ khi cuộc đảo chính gây ra các cuộc biểu tình hàng loạt cùng đàn áp người dân tương ứng.

Các yếu tố rủi ro khác mà Grab nêu ra bao gồm "sự cạnh tranh gay gắt trên các phân khúc và thị trường mà công ty phục vụ cùng các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng".

Gợi ý cho Gojek và các đối thủ khác

Định giá SPAC của Grab đặt ra một tiêu chuẩn cho thời điểm khi nào Gojek ra IPO.

Gojek sắp sáp nhập với công ty công nghệ khổng lồ Tokopedia của Indonesia, với kế hoạch niêm yết công khai thực thể sáp nhập. Một người quen thuộc với các cuộc đàm phán Gojek - Tokopedia cho biết họ sẽ hướng tới mức định giá "tương tự hoặc cao hơn" mức định giá 39,6 tỉ USD của Grab vì "pháp nhân Gojek - Tokopedia sẽ có chi nhánh thương mại điện tử".

grab-co-co-lai-sau-lo-luy-ke-10-ti-usd3.jpg
Gojek muốn định giá cao hơn mức của Grab sau khi sáp nhập Tokopedia

Mua sắm qua internet là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh các hạn chế của COVID-19 và một trong những đối tác sáp nhập hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Bức tranh lớn hơn là Gojek và các công ty công nghệ Đông Nam Á khác đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu đều ủng hộ thương vụ của Grab. Nó đi kèm các cuộc đàm phán về tài trợ cho các giao dịch của SPAC đang cạn kiệt khi đầu tư tư nhân vào vốn cổ phần công (được gọi là PIPE) trở nên quá tải do định giá tăng.

Thương vụ Grab, thương vụ sáp nhập SPAC lớn nhất cho đến nay, đã chứng minh rằng ngay cả khi cuộc đàm phán về các thương vụ SPAC đang chậm lại, sự khao khát của các nhà đầu tư vẫn còn ở các công ty công nghệ Đông Nam Á. Đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh với các công ty công nghệ trong khu vực - hiện có thể tận dụng thương vụ của Grab để đàm phán các điều khoản tốt hơn với các nhà đầu tư tiềm năng.

Các công ty khởi nghiệp khác dự định ra mắt công chúng thông qua SPAC bao gồm kỳ lân công nghệ Indonesia – Traveloka (ứng dụng booking trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á), Bukalapak (một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia).

Hy vọng của họ là cổ phiếu Grab không lao dốc sau khi công ty bắt đầu giao dịch trên NASDAQ và gieo rắc nghi ngờ với các hãng công nghệ Đông Nam Á.

NASDAQ (National Association of Securities Dealers Automated Quotations system) là sàn giao dịch chứng khoán điện tử của Mỹ, có giá trị vốn hoá thị trường đứng thứ 3 thế giới sau NYSE và Tokyo stock Exchange. Điểm khác biệt quan trọng giữa NASDAQ với các sàn giao dịch chứng khoán lớn khác là ở chỗ nó là một sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC).

Bài liên quan
Vì sao Gojek sáp nhập với Tokopedia thay vì Grab mới là đám cưới cổ tích?
Liên minh Gojek và Tokopedia có khả năng thúc đẩy tạo việc làm thông qua sự đổi mới và các startup mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Grab cố có lãi từ khoản lỗ lũy kế 10 tỉ USD, Gojek muốn định giá cao hơn 40 tỉ USD khi sáp nhập Tokopedia