Alchip Technologies, nhà thiết kế chip lớn của Đài Loan, đã đình chỉ kinh doanh với Phytium Technology sau khi Mỹ đưa công ty Trung Quốc này vào danh sách đen vì cáo buộc liên kết với quân đội.
Động thái nhấn mạnh cách các công ty toàn cầu tiếp tục bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.
Được niêm yết tại Đài Bắc, Alchip Technologies từng cung cấp dịch vụ thiết kế chip và sở hữu trí tuệ cho Phytium Technology, giúp hãng này thuê ngoài TSMC sản xuất chip.
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan.
Phytium Technology phát triển CPU để sử dụng trong siêu máy tính cũng như các thiết bị máy tính cá nhân và là một trong những công ty trọng tâm trong chiến dịch thúc đẩy sự tự chủ của Trung Quốc với các thành phần chip quan trọng.
"Đây là lần đầu tiên một khách hàng của chúng tôi bị thêm vào danh sách thực thể. Tất cả hoạt động kinh doanh của chúng tôi với Phytium, bao gồm cả sản xuất chip với TSMC, đã bị đình chỉ", Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Alchip Technologies - Johnny Shen nói với các nhà đầu tư hôm 13.4, đề cập đến danh sách đen thương mại của Mỹ.
Ông nói thêm: “Tôi phải thừa nhận rằng Alchip đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn”.
Cổ phiếu của Alchip Technologies đã giảm xuống trong 3 ngày giao dịch liên tiếp sau khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 8.4 thêm 7 nhà phát triển siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen thương mại của mình, gồm cả Phytium Technology. Phytium Technology đóng góp 39% tổng doanh thu của Alchip Technologies vào năm 2020.
Thông báo từ Alchip Technologies là một ví dụ khác về việc Mỹ sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc, bằng cách chặn quyền truy cập của các công ty nước này ngay cả với các nhà cung cấp không phải từ Mỹ.
Johnny Shen cho biết các sản phẩm và dịch vụ mà Alchip Technologies cung cấp cho Phytium Technology được thiết kế cho mục đích sử dụng chung, thay vì quân sự.
Ông nói: “Các con chip này không có khả năng hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt. Alchip cũng có các tài liệu do Phytium ký cam kết rằng các sản phẩm và dịch vụ đó sẽ không được sử dụng trong các ứng dụng quân sự”.
Việc Phytium Technology thua lỗ trong hoạt động kinh doanh có thể làm doanh thu của Alchip giảm, song công ty Đài Loan cho biết vẫn có thể tăng trưởng 20% cho cả năm 2021.
Việc Phytium Technology bị đưa vào danh sách đen sẽ không ảnh hưởng đến giao dịch của Alchip Technologies với các khách hàng Trung Quốc khác, theo Johnny Shen. Gần như tất cả đội ngũ kỹ sư của Alchip Technologies đều làm tại Trung Quốc.
Alchip Technologies nói sẽ tìm kiếm giấy phép xuất khẩu từ Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) để nối lại quan hệ kinh doanh với Phytium Technology, nhưng không thể đoán trước khi nào sẽ nhận được giấy phép đó.
Hôm 8.4, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố Phytium Technology và 7 công ty khác bị thêm vào danh sách thực thể "tham gia vào việc chế tạo siêu máy tính được sử dụng bởi các lực lượng quân sự của Trung Quốc, nỗ lực hiện đại hóa vũ khí của các chương trình hủy diệt hàng loạt hoặc quân sự gây mất ổn định".
Theo các luật sư và BIS, các nhà cung cấp phải xin giấy phép xuất khẩu để cung cấp cho các công ty này bất kỳ sản phẩm nào có chứa hơn 25% nội dung Mỹ - được gọi là quy tắc tối thiểu. Thế nhưng, mức tối thiểu đó có thể bị hạ xuống hoặc thậm chí bị hủy.
Mỹ từng thêm công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc - Huawei vào danh sách thực thể vào năm 2019 và cắt giảm tỷ lệ phần trăm tối thiểu áp dụng từ 25% xuống 0% vào năm ngoái, có nghĩa là cấm tất cả nhà cung cấp toàn cầu sử dụng bất kỳ công nghệ nào của Mỹ để phục vụ Huawei.
Quy tắc chặt chẽ hơn này đã cắt đứt quyền truy cập của Huawei vào các nguồn cung cấp chip quan trọng, gồm cả từ TSMC và Samsung.
Harry Clark, chuyên gia thương mại và là đối tác của Orrick - công ty luật Mỹ, nói với trang Nikkei rằng các nhà cung cấp nên biết rằng luật kiểm soát xuất khẩu có thể thay đổi đột ngột.
SMIC (công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc), Hikvision (nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới) và DJI (hãng sản xuất máy bay không người lái thương mại số 1 toàn cầu) đều đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen.