Việc Đà Nẵng chưa chịu cho thí điểm và bắt phạt GrabCar đang là câu chuyện bàn luận nhiều chiều của người Đà Nẵng. Hiệp hội Taxi cho rằng mô hình Grab đang đánh tráo khái niệm và kinh doanh không lành mạnh, khả năng trốn thuế cao. Trả lời Một Thế Giới, đại diện Grab Việt Nam nói muốn có cơ hội đối thoại với Đà Nẵng.

Grab muốn đối thoại với Đà Nẵng vì bị cáo buộc trốn thuế

Lê Đình Dũng | 24/02/2017, 14:48

Việc Đà Nẵng chưa chịu cho thí điểm và bắt phạt GrabCar đang là câu chuyện bàn luận nhiều chiều của người Đà Nẵng. Hiệp hội Taxi cho rằng mô hình Grab đang đánh tráo khái niệm và kinh doanh không lành mạnh, khả năng trốn thuế cao. Trả lời Một Thế Giới, đại diện Grab Việt Nam nói muốn có cơ hội đối thoại với Đà Nẵng.

>>Cấm GrabCar, chính quyền Đà Nẵng tổ chức 'rình' bắt

Taxi truyền thống "tố" Grab đánh tráo khái niệm

Trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc cho phép chưa triển khai ứng dụng mô hình GrabCar ở Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố này cho rằng giữa taxi truyền thống và GrabCar có hình thức kinh doanh như nhau và hơn hết là ảnh hưởng đến quy hoạch taxi trên địa bàn.

Về phía các hãng taxi, quan điểm chống GrabCar còn mạnh mẽ hơn bởi họ cho rằng Grab đang kinh doanh không công bằng, cạnh tranh không lành mạnh và nguy cơ trốn thuế cao. Grab chỉ cần 1 điện thoại di động và 1 chiếc xe là chạy ra đường kinh doanh còn hoạt động taxi chịu nhiều ràng buộc từ chính quyền, ít ra là 13 quy định.

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi không đề nghị cấm mà còn ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào ngành kinh doanh taxi. Chúng tôi không sợ GrabCar hay loại hình nào khác nếu họ cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, Chính phủ cho Grab thí điểm ‘ứng dụng kết nối vận chuyển hành khách theo hợp đồng’ nhưng họ đã không thực hiện đúng nội dung đề án thí điểm”.

“Bản chất GrabCar hiện nay là kinh doanh taxi, không đúng như giấy phép được cấp. Grab đang đánh tráo khái niệm ‘vận chuyển hành khách theo hợp đồng’ và ‘vận chuyển hành khách bằng taxi’. Trong khi quy định về loại hình 2 dịch vụ này khác nhau. Đặc biệt, taxi bị ràng buộc bởi rất nhiều chế tài, nhất là giá cước phải đăng ký với Sở Tài chính và Sở GTVT cũng như UBND địa phương đồng ý. Trong khi loại hình Grab hay Uber không ai quản lý, không bị ràng buộc như ngành kinh doanh taxi”.

“Với công nghệ hiện nay việc quản lý doanh thu với loại hình này rất khó. Trong khitaxi truyền thống có thể truy tận gốc doanh thu và nộp thuế cho Nhà nước thì với phần mềm ứng dụng và hợp đồng điện tử, Nhà nước không có cơ sở quản lý được doanh thu”, ông Nhân cho hay.

Các hiệp hội taxi cho rằng Grab kinh doanh không sòng phẳng, nguy cơ trốn thuế cao.

Cũng theo ông, Hiệp hội Taxi cũngtừng có văn bản kiến nghị lên Chính phủ việc này. Nếu cho phép Grab hay Uber hoạt động sẽ tạo ra bất công trong vấn đề nộp thuế và không công bằng đối với các hãng taxi. “Chúng tôi không đề nghị cấm, mà chỉ mong muốn kinh doanh thì phải đúng quy định, kinh doanh phải bình đẳng, sòng phẳng như nhau”.

Theo báo cáo thực tế của TP.HCM trong năm 2016, chỉ hai hãng taxi Mai Linh và Vinasun đã đóng gần 500 tỉ đồng tiền thuế; trong khi Grab chỉ đóng chưa đến 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cả Hà Nội và TP.HCM bắt đầu nhận thấy loại hình GrabCar là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ách tắc giao thông. Năm 2016, trên địa bàn TP.HCM có 11.000 taxi nhưng đã có tới 15.000 xe vận tải hành khách theo hợp đồng.

Ông Nhân cho rằng, từ thực tế của Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng đã tiên lượng và phòng ngừa được vấn đề ùn tắc giao thông. Quy hoạch vận tải taxi của Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay chỉ cho phép 1.700 đầu xe. Số lượng này hiện nay cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Các hãng taxi muốn tăng đầu xe cũng không được phép bởi TP khống chế theo quy hoạch.

“Nếu Đà Nẵng đồng ý cho thí điểm GrabCar thì quy hoạch vận tải hơn chục năm nay sẽ phá vỡ, một năm Đà Nẵng có thể tăng lên vài ngàn xe từ các tỉnh khác đổ về, lúc đó hệ quả sẽ khôn lường. Câu chuyện tận dụng xe nhàn rỗi, tại chỗ như nguyên bản của loại hình kinh doanh Grab, Uber thì hiện thực tại Đà Nẵng sẽ là câu chuyện huyễn hoặc”, ông Nhân nói.

Grab muốn đối thoại với Đà Nẵng

Từ hội sở, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty Grab Việt Nam đã trả lời sơ sài một số chất vấn mà Một Thế Giới đặt ra.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam- Ảnh: Grab

“Chúng tôi cho rằng, việc TP.Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT không triển khai thí điểm hợp đồng điện tử GrabCar ở Đà Nẵng là một thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng và cả các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Vì vậy, Grab Việt Nam rất mong có cơ hội đối thoại thêm với chính quyền Đà Nẵng để cùng tìm ra giải pháp”, lãnh đạo Grab Việt Nam cho hay.

>>Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Đà Nẵng bảo hộ taxi là tư duy già cỗi, chống lại quy luật thị trường

Về quan điểm cho rằng việc thí điểm GrabCar tại Đà Nẵng sẽ làm gia tăng số lượng phương tiện, gây ùn tắc giao thông; ông Tuấn Anh cho rằng: “Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Grab Việt Nam đã có chủ trương không khuyến khích đối tác mua xe mới, mà chỉ nên tận dụng những xe nhàn rỗi. Việc này sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn tài nguyên sẵn có trong xã hội mà không làm tăng lưu lượng xe lưu thông trên đường”.

“Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT là nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỉ lệ xe chạy rỗng trên đường”.

“Thực tế triển khai thời gian qua đã chứng minh việc áp dụng ứng dụng Grab trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) đã đạt hiệu quả rất cao, thể hiện qua hệ số sử dụng quãng đường (số km xe có khách tính trên bình quân 100km xe lăn bánh). Hệ số sử dụng quãng đường tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 88,1% và 89,6%, tương đương tỉ lệ xe chạy rỗng là 11,9% và 10,4%, trong khi tỉ lệ xe chạy rỗng của taxi lên tới50% (số liệu của Bộ GTVT)”, lãnh đạo Grab phân tích.

Lãnh đạo Grab Việt Nam cũng cho rằng "so sánh về doanh thu cũng như số tiền đóng thuế là không phù hợp".

“Grab Việt Nam là công ty được thành lập, hoạt động tại Việt Nam và tuân thủ nghiêm túc các quy định về sổ sách kế toán cũng như kê khai đóng thuế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Grab còn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để hỗ trợ việc quản lý thuế tốt hơn của các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải. Grab Việt Namlà một trong những đơn vị được ngành thuế tuyên dương là hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2015”.

“Về việc so sánhdoanh thu cũng như số tiền đóng thuế, chúng tôi cho rằng đây không phải là một sự so sánh phù hợp. Tôi xin nhấn mạnh Grab Việt Nam không kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và giao kết hợp đồng cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải. Vì vậy, phép so sánh này cũng tương tự như đặt doanh thu của một đại lý bán vé máy bay cạnh doanh thu của cả một hãng hàng không vậy”, ông Nguyễn Tuấn Anh tuyên bố.

Tuy Grab Việt Nam tuyên bố vậy nhưng nhiều xe chạy theo hình thức GrabCar tại Đà Nẵng vẫn được xem là ‘chui’. Sở GTVT Đà Nẵng cho biết đã bắt và xử phạt 2 xe chạy GrabCar, đồng thời triệu tập 9 chủ xe, lái xe khác để xử phạt nguội. Ông Tuấn Anh cho biết vẫn đang tìm hiểu và xác minh sự việc.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Grab muốn đối thoại với Đà Nẵng vì bị cáo buộc trốn thuế