Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP.HCM đều kiến nghị mức thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, Grab và Uber cần giống giau để cạnh tranh công bằng hơn...
Tại hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi” do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức ngày 23.2 tại Hà Nội, đa số đại biểu đều nhận định hiện có sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và các loại hình chở khách giống taxi như Grab và Uber.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, trong khoảng 2 năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của một loại hình vận tải giống xe taxi mang tên Grab và Uber đã làm “dậy sóng” thị trường vận tải trên cả nước.
Từ đó tạo ra cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, công nghệ vượt trội và các đơn vị trong nước.
Minh chứng vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ cho hay, hiện nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu tại TP.HCM là dưới 20.000 xe, trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, số lượng xe taxi vẫn giữ nguyên khoảng 11.000 xe.
Chính sự phát triển này áp đảo này đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.
Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống vô cùng bức xúc. Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ, cho biết, trong khi các hãng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế khá cao là thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.
“Trong khi đó, đối với Uber, Bộ Tài chính áp thuế cho Uber theo thuế suất 3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng. Để đảm bảo công bằng các cơ quan chức năng nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe hợp đồng - Grab và Uber.
Ví dụ, thuế VAT hoặc là 10% hoặc là 5% trên doanh thu. Dù có xé lẻ, tách nhỏ doanh thu cho từng bộ phận thì tổng thuế phải nộp cũng dựa trên cơ sở tỷ lệ 100% doanh thu. Vì vậy, hiệp hội kiến nghị nên tính thuế VAT đối với doanh nghiệp kinh doanh taxi Grab và Uber ở mức 5%”, ông Hỷ đề xuất.
Còn theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện nay điều kiện về kinh doanh đối với các doanh nghiệp taxi là rất ngặt nghèo như: bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, đăng ký giá, hay vấn đề cấm đi vào một số tuyến vào giờ cao điểm… thì đối với các loại hình chở khách giống taxi như: Grabcar và Uber không cần bất cứ điều kiện ràng buộc gì và được tùy ý tăng số lượng xe. Điều này gây ra tình trạng không công bằng giữa các loại hình vận chuyển hành khách cùng loại.
“Vô hình trung chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước lại nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong khi buông lỏng quản lý với Grab và Uber hiện đang hoạt động như taxi hiện nay”, ông Đỗ Quốc Bình nhận định.
Vì vậy, ông Bình cho rằng, Uber hay Grab cũng cần được quản lý như taxi truyền thốngvà về mức nộp thuế cũng phải chịu 10% thuế trên tổng doanh thu chuyến đi và chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp như các hãng taxi truyền thống đang áp dụng để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình vận tải hành khách.
Theo ông Trương Đình Quý, Công ty cổ phần Anh Dương Việt Nam (Vinasun), Uber và Grab không những lách luật để được hưởng thuế thấp mà còn tìm cách trốn thuế, làm thất thu cho ngành thuế.
Theo thông báo của Tổng Cục thuế, số thuế phải thu của Uber trong hai năm 2014 và 2015 là 19 tỷ đồng. Trong khi đó, Grab, Uber có 15.000 xe kinh doanh trên toàn quốc. Nếu so sánh với Vinasun với hơn 6.000 xe thì thuế VAT phải nộp cho ba năm (2014 đến 2016) là 692 tỷ đồng.
“Qua đó, chúng ta có thể thấy ngân sách nhà nước thất thu rất lớn và việc không quản lý để thất thu thuế là điều không công bằng cho taxi truyền thống. Như vậy thử hỏi taxi truyền thống có thể giảm giá để cạnh tranh trên con số thất thu thuế khổng lồ như vậy hay không…”, ông Quý nêu.
Bà Cao Thị Thanh Lan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính), cho rằng cách tính thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật. Không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nộp thuế kê khai hay doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu.
“Nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng vì doanh nghiệp nộp thuế 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, mua sắm tài sản cố định…”, bà Lan cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định, về vấn đề thuế hiệp hội sẽ trực tiếp làm việc với các đơn vị của Bộ Tài Chính để xem việc tính thuế trên đã công bằng chưa. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định với Tổng Cục Thuế là chúng ta đang thất thu thuế rất lớn với Uber và Grab.
Về các điều kiện kinh doanh, ông Thanh cho rằng, Uber và Grab cần phải hoàn thiện những thủ tục tương đồng với taxi: “Nếu không chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan pháp luật nhà nước để xử lý. Không thể để Uber hoạt động chui, trốn thuế như bao nhiêu năm qua… Chúng tôi không kiến nghị dừng hoạt động của Uber nhưng buộc Uber phải hoàn thiện yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải…”- ông Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng yêu cầu các đơn vị taxi truyền thống cần đổi mới hệ thống kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ để hạ giá thành nhằm cạnh tranh tốt hơn: “Ngoài ra, có cần hạn chế số lượng xe taxi không. Không thể để một người thi tự do bay nhảy, một người thì buộc chặt, kiểm soát…”- ông Thanh nói.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Grab và Uber hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào trong khi hoạt động taxi truyền thống phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện, như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị…. và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và gắn liền với nó là hàng loạt thuế phí nảy sinh.
Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý cho Grab thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Thời gian thí điểm là 2 năm, nhưng đến nay đã được hơn một năm, chúng ta cần có sự khảo sát đánh giá sơ bộ, bước đầu về mục tiêu, điều kiện tham gia, nội dung hợp đồng, nội dung công việc và trách nhiệm của các đơn vị tham gia thí điểm để khi thời điểm kết thúc thời gian thí điểm có những kết luận đưa ra một cách có căn cứ, và là tiền đề quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; đồng thời, xem xét những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà taxi truyền thống đưa ra để có những chế tài điều chỉnh.
Bnews/TTXVN