Lãi suất ngân hàng sau Tết Nguyên đán tiếp tục biến động. Không chỉ ghi nhận xu hướng giảm, đã có ngân hàng nhích tăng trở lại lãi suất huy động.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa đồng loạt tăng 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất tiền gửi "Phát lộc tại quầy" kỳ hạn 1 và 2 tháng dao động từ 2,55 - 2,7%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 2,95 - 3,3%/năm đối với từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi.
Đối với khách hàng gửi tiền online, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1 - 0,2%/năm so với hình thức gửi tiền tại quầy. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng dao động từ 2,75 - 2,9%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng dao động từ 3,15 - 3,5%/năm.
Đáng chú ý, ngay cả với tài khoản thanh toán, Techcombank cũng áp dụng lãi suất lên tới 3,3%/năm thay vì mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm như thông thường. Mức lãi này khách hàng được hưởng khi bật tính năng "Sinh lời tự động" trên ứng dụng di động Techcombank Mobile và số dư tài khoản thanh toán từ 10 triệu đồng trở lên.
Lãi suất huy động cao nhất đang niêm yết tại Techcombank là 5%/năm, dành cho khách hàng Private khi gửi tối thiểu 3 tỉ đồng kỳ hạn từ 12 - 36 tháng. Dù điều chỉnh tăng nhưng lãi suất các kỳ hạn tại Techcombank hầu hết vẫn thuộc nhóm thấp nhất hệ thống hiện nay.
Trái ngược với Techcombank, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) vừa có động thái hạ lãi suất huy động. Cụ thể, NCB giảm lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn huy động. Đây là lần thứ 2 ngân hàng này thông báo giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 2.2024.
Hiện NCB niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng dao động từ 3,6 - 3,8%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước đó. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng cũng giảm 0,2%/năm xuống dao động từ 4,65 - 4,75%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng tại NCB giảm 0,1%/năm so với trước xuống dao động ở mức từ 5,2 - 5,7%/năm.
Từ đầu tháng 2.2024 đã có tới 15 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: LPBank, Sacombank, NCB, Viet A Bank, SeABank, Techcombank, ACB, VIB, Eximbank, BVBank, KienLong Bank, ABBank, Bac A Bank, PGBank, Sacombank. Trong đó, VIB, Sacombank, NCB là những nhà băng đã giảm lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu tháng.
Hiện lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống được niêm yết tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với mức 10,15%/năm. Mức lãi suất trên áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỉ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của tổng giám đốc.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đang áp dụng mức lãi suất lên tới 10%/năm cho kỳ hạn gửi 12 - 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Mức lãi suất trên áp dụng cho số tiền gửi khá lớn, 2.000 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng áp dụng mức lãi suất khá cao, 8,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu thấp hơn nhiều, chỉ 300 tỉ đồng.
Ngược lại, các mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường thuộc về 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Trong đó, Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống.
Lãi suất huy động thấp chưa từng có là hệ quả của việc giới nhà băng "thừa tiền trong kho". Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho các nhà băng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, trong văn bản mới nhất, cơ quan này yêu cầu đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.