Ngày hôm nay (17.1), một loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm lãi suất huy động 0,3%. Theo đó, kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 1,9%/năm; 3 - 5 tháng còn 2,2%/năm; 6 - 11 tháng còn 3,2%/năm. Những kỳ hạn từ 12 - 18 tháng trở lên vẫn được giữ nguyên ở 5%/năm và mức cao nhất được áp dụng là 5,3% dành cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) giảm lãi suất huy động 0,2 - 0,4%/năm tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng của Agribank chỉ còn 1,8%/năm, giảm 0,2% so với trước đó và gần bằng mức thấp nhất trên thị trường hiện nay 1,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 3 - 6 tháng về 2,1%/năm, giảm 0,4% so với lãi trước. Lãi suất kỳ hạn từ 6 - 12 tháng giảm 0,3% xuống còn 3,2%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giữ nguyên ở mức 5 - 5,3%/năm.
Trong hệ thống Big4, ngân hàng Vietcombank hiện đang có mức lãi suất huy động thấp nhất, từ 1,7 - 4,7%/năm ở các kỳ hạn. Động thái giảm mạnh lãi huy động của nhóm ngân hàng này cho thấy dư địa giảm lãi suất trên thị trường hiện vẫn còn.
Đáng chú ý, trong sáng nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thông báo giảm lãi tiết kiệm xuống 1,7%/năm. Mức giảm này tương đương với ngân hàng Vietcombank, được đẩy xuống mức thấp nhất thị trường.
Cụ thể, ngân hàng SCB giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng xuống còn 1,7%/năm, 3 - 5 tháng xuống còn 2%/năm, 6 - 11 tháng còn 3%/năm và mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 4,7%/năm từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, SCB là một trong 2 ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường ở 1,7%/năm. Vào đầu tháng 1 vừa qua, ngân hàng Vietcombank đã giảm lãi tiết kiệm xuống mức này. Đáng nói, trước đây SCB là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao trên thị trường. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm trở lại đây, ngân hàng này luôn giảm mạnh lãi huy động xuống mức thấp nhất, chỉ còn một nửa.
Cùng với việc giảm lãi suất, SCB cũng công bố chấm dứt hoạt động 2 phòng giao dịch gồm Phòng giao dịch Cách Mạng Tháng Tám (1112 - 1114 Cách Mạng Tháng Tám, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) và Phòng giao dịch Hoàng Minh Giám (32A - 34A Nguyễn Thái Sơn, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trước đó, SCB công bố đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng. Từ sau khi đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10.2022 đến nay, SCB đóng cửa hàng loạt các phòng giao dịch trên cả nước tại TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng...
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hôm nay cũng tiếp tục giảm lãi suất huy động - lần thứ hai kể từ đầu tháng lãi suất tại VIB được điều chỉnh.
Biểu lãi suất huy động trực tuyến của VIB cho thấy lãi suất kỳ hạn từ 6 - 11 tháng đồng loạt giảm 0,1 điểm phần trăm. Hiện lãi suất mới của kỳ hạn 6 - 11 tháng là 4,5%/năm. Tuy nhiên, VIB bất ngờ tăng lãi suất huy động tại kỳ hạn 15 và 18 tháng với mức tăng 0,1 điểm phần trăm lên 5,2%/năm.
Đây chưa phải là mức lãi suất huy động cao nhất của VIB bởi mức lãi suất huy động kỳ hạn 24 - 36 tháng vẫn đang là 5,3%/năm. Mức lãi suất này không thay đổi so với trước đó.
Ngoài ra, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng được VIB giữ nguyên mức cũ. Kỳ hạn 1 - 2 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,4%/năm.
Kể từ đầu tháng 1.2024 đến nay, đã có 23 ngân hàng giảm lãi suất huy động, gồm: BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank, Vietcombank, PVCombank, SCB, HDBank, VietBank, Techcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. Trong đó, OCB, KienLongBank, NCB, Viet A Bank, GPBank, SHB, VIB đã có lần thứ 2 giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch ở mức thấp những ngày qua. Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất bình quân liên ngân hàng từ ngày 15.1 kỳ hạn qua đêm ở mức 0,15%/năm, 1 tuần còn 0,32%/năm, 2 tuần còn 0,56%, 1 tháng ở mức 1,24%, 3 tháng ở mức 3,11%, 6 tháng ở mức 4,7%... Điều này cho thấy thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm liên tục đi xuống nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động trong năm 2023 cao nhất trong lịch sử, với mức 13,2% so với cuối năm 2022, đạt 13,5 triệu tỉ đồng.